15/06/2012 - 07:27

Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hàn Quốc

Hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ
tổ chức. Ảnh: CTV

Năm nay là năm kỷ niệm 20 năm mối quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc (1992 - 2012). Từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao cho đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 18,5 tỉ USD, tăng gấp 37 lần, đầu tư đã tăng lên 100 lần so với thời điểm ban đầu. Hàn Quốc đang được xem là đối tác quan trọng của Việt Nam, hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại
Việt Nam.

Theo Thống kê của bộ phận phụ trách lĩnh vực kinh tế của Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, tính riêng 4 tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 6,4 tỉ USD. Còn thống kê của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2011 giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 17,91 tỉ USD, tăng 42,7%; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 4,71 tỉ USD, tăng 49,8% và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 13,2 tỉ USD, tăng 40,6%, so với năm 2009. Tại hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức đầu tháng 6-2012, ông Byun Dong Ook, phụ trách lĩnh vực kinh tế của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Những con số trên khẳng định giao thương và hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với đà phát triển như hiện nay, quy mô thương mại giữa hai nước có triển vọng đạt 20 tỉ USD trong năm 2012”.

Mặc dù Hàn Quốc đang là đối tác lớn của Việt Nam, với nhiều dự án đầu tư, nhưng dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại ĐBSCL còn rất hạn chế. Qua thống kê của ngành công thương 8/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp toàn vùng sang thị trường Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 2,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sang thị trường này. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, nông sản, mỹ nghệ như: cá, tôm, nấm rơm, giầy da, túi xách... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của vùng từ Hàn Quốc là nguyên phụ liệu phục vụ may mặc, giầy da. Số dự án FDI của Hàn Quốc tại các tỉnh ĐBSCL cũng còn rất hạn chế. Trong 4 năm (2008 - 2011) trung bình mỗi tỉnh trong vùng chỉ thu hút 4 dự án, đặc biệt tại các tỉnh như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu không có dự án mới nào; các tỉnh, thành được nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm là Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và TP Cần Thơ với tổng số dự án là 55, vốn đăng ký khoảng 1,032 tỉ USD, chiếm khoảng 4,5% so với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc.

Ông Byun Dong Ook nói: “Nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay phát triển khá thành công nhưng Việt Nam chỉ nên tham khảo kinh nghiệm chứ không thể làm theo, mà phải tìm đến những quốc gia tiên tiến bậc nhất đang sở hữu những ngành Việt Nam có thể làm, những điều này Hàn Quốc đã áp dụng để phát triển kinh tế đất nước trong quá khứ. Thay vào đó, cần phải xác định những gì Việt Nam cần, và những ngành phải xây dựng, đồng thời liên tục nỗ lực nhằm thu hút những ngành công nghiệp bậc nhất trong các lĩnh vực từ mọi quốc gia trên thế giới”. Theo các chuyên gia, để nền kinh tế trong nước trở nên mạnh mẽ hơn, đây chính là thời điểm Việt Nam cần thực hiện tái cấu trúc kinh tế, nỗ lực ổn định thị trường. Hàn Quốc là đất nước nhập khẩu khá nhiều mặt hàng thực phẩm từ châu Á như: Nông sản, hoa quả, thủy sản... Và đây cũng là cơ hội cho những mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL rất có thế mạnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thị trường Hàn Quốc được đánh giá là khó tính, hàng hóa muốn vào thị trường này các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vốn để sản xuất theo quy trình công nghệ tiên tiến, sản phẩm phải đạt chất lượng cao.

KHÁNH NAM

Hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Vi&#

Chia sẻ bài viết