02/12/2011 - 20:32

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần V-2011

Thúc đẩy giao lưu, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội trong cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ và vùng biên

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần V-2011 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-12-2011 tại tỉnh An Giang. Dịp này, hàng trăm ngàn người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh giáp biên giới của nước bạn Campuchia náo nức tham gia. Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban tổ chức, nhận định:

- Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần V-2011 tại An Giang đáp ứng đúng nguyện vọng của đồng bào Khmer Nam bộ. Sự kiện này khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với bảo tồn và phát triển văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer Nam bộ. Đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân Campuchia và du khách quốc tế càng thể hiện tinh thần hữu nghị, hòa bình và tiến bộ.

* Qua bốn lần tổ chức, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần này có gì mới thưa ông?

- Bên cạnh những hoạt động truyền thống, ngày hội lần này có sự phát triển về quy mô, chất lượng với nhiều chương trình được dàn dựng công phu, có sự tham gia của các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa Trung ương và địa phương.

Trình diễn văn nghệ dân tộc trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Khmer Nam bộ ở
Kiên Giang. Ảnh: BÁ DŨNG

Lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức hoành tráng, có bắn pháo hoa. 9 nội dung hoạt động liên tục diễn ra gồm: liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc, lễ hội dân gian, thi đấu thể thao dân tộc, giới thiệu văn hóa ẩm thực, trưng bày và giới thiệu sách, triển lãm, hội thảo, giao lưu văn hóa, tham quan An Giang, hội chợ triển lãm. Có một số triển lãm như triển lãm đặc trưng văn hóa 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu Việt Nam - Đất nước con người và cuộc bình chọn Quốc hoa; thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh An Giang; triển lãm các tác phẩm đoạt giải các cuộc thi mỹ thuật, nhiếp ảnh về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi; hội chợ giới thiệu các sản phẩm của các doanh nghiệp và ẩm thực hai nước Việt Nam và Campuchia. Trong khuôn khổ ngày hội còn có hội thảo về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa.

Có 8 môn thể thao được tổ chức thi đấu là: Đua ghe ngo, kéo co, bóng đá mini, bóng chuyền nam, đẩy gậy, việt dã nam, nữ; đội cờ-om lấy nước và đua bò.

* Dường như yếu tố thể thao và văn hóa được chú trọng trong những lần tổ chức trước đây dù ngày hội còn có ý nghĩa quan trọng về phát triển du lịch. Ông có thể cho biết An Giang làm gì để hoàn thiện điểm này?

- Ban Tổ chức chúng tôi chọn Tịnh Biên, Châu Đốc làm các điểm chính để tổ chức ngày hội lần này. Các sự kiện văn hóa, thể thao sẽ “sống” trong môi trường thật, với bối cảnh và bản sắc văn hóa đặc trưng. Ngoài ý nghĩa tạo điều kiện cho đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer tham gia, ngày hội sẽ còn là dịp quảng bá những điểm du lịch đặc trưng ở An Giang đến với khách gần xa. Sẽ có những hoạt động giới thiệu và trực tiếp bán tour tuyến du lịch đến các điểm đặc sắc của An Giang, các tỉnh ĐBSCL và cả từ ĐBSCL sang Campuchia trong những ngày diễn ra lễ hội.

Chúng tôi muốn Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần V-2011 không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, thể thao du lịch mà còn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế - xã hội trong cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ và vùng biên Tây Nam của Tổ quốc.

Đây là lần đầu tiên người dân An Giang nói chung và vùng biên giới Tây Nam bộ nói riêng được thưởng lãm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú. Món ăn tinh thần đặc sắc, ấn tượng sẽ giúp bà con Khmer Nam bộ hiểu hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm cho đất nước Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển giàu đẹp, văn minh.

* Xin cảm ơn ông!

TẤN PHÚC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết