24/10/2017 - 09:46

Thúc đẩy, đổi mới đào tạo từ xa 

Phù hợp với mọi đối tượng, giảm thời gian, chi phí trong quá trình học là ưu điểm của hình thức đào tạo từ xa (ĐTTX). Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo ở TP Cần Thơ đã, đang và sẽ hiện đại hóa và nâng cao chất lượng loại hình đào tạo này. Song để đảm bảo chất lượng ĐTTX còn nhiều việc để bàn.

Tạo cơ hội học tập suốt đời

Anh Nguyễn Phúc Duy, học viên ngành Quản trị kinh doanh K17, hệ ĐTTX, do Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) liên kết đào tạo với Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ (KT-CN) Cần Thơ, cho biết: “ĐTTX phù hợp điều kiện  kinh tế, giúp tôi có thể vừa đi làm, vừa học. Trước đây, tôi cũng lo lắng loại hình này khó đáp ứng đủ yêu cầu kiến thức. Nhưng qua 1 học kỳ, thầy cô tận tình giảng dạy, với lượng kiến thức khá hay, trường cung cấp đầy đủ tài liệu giáo trình, giúp tôi thuận lợi trong quá trình học. Ngay cả các cô chú lớn tuổi đang học vẫn theo kịp chương trình”. Tốt nghiệp trung cấp nghề cơ khí ô tô, anh Duy làm việc tại một nhà máy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Sau một thời gian đi làm, anh Duy nhận thấy cần bổ sung kiến thức kinh doanh để phục vụ tốt hơn cho công việc nên đã đăng ký học khóa ĐTTX.

 Lễ tốt nghiệp của học viên theo học hình thức ĐTTX do Trường ĐH KT-CN Cần Thơ liên kết đào tạo với Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh.

 

ĐTTX phù hợp với mọi đối tượng, học mọi lúc mọi nơi, giảm áp lực về nguồn lực của cơ sở đào tạo cũng như của người học. Thông thường học viên chỉ học vào các ngày thứ bảy và chủ nhật, được cung cấp giáo trình, học liệu, được hướng dẫn tự học thường xuyên thông qua hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, băng hình, băng tiếng;... Từ đó giúp người học có cơ hội học tập suốt đời. Như trường hợp của ông Trần Minh Đức (quận Cái Răng, gần 60 tuổi), đang nỗ lực hoàn thành năm cuối để lấy bằng tốt nghiệp ngành Luật, hệ ĐTTX của Trường ĐHCT. Với ông Đức, việc học không chỉ bổ sung thêm kiến thức luật cho mình mà còn giáo dục con cháu sống, làm việc đúng pháp luật.

Nhờ những ưu điểm của ĐTTX mà nhiều cơ sở đào tạo ở ĐBSCL  mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo trong thời gian qua. Trường ĐH KT-CN Cần Thơ (trước đây là Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ), hơn 10 năm trước, đã liên kết với một số trường ĐH để ĐTTX, với hàng trăm sinh viên ra trường. Hiện, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ liên kết ĐTTX với 3 trường: ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, với hơn 1.000 học viên. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, cho biết: “Tham gia khóa học, người học tốt nghiệp từ THPT trở lên. Trong quá trình học tập, học viên ĐTTX vẫn được hưởng các quyền lợi như lớp chính quy như được vay vốn học tập, học bổng, tham gia sinh hoạt đầu khóa…”.

 Từ 17 năm trước, Trường ĐHCT đã chuẩn bị nguồn lực cho hệ đào tạo này, với sự tài trợ của tổ chức của Bỉ nhằm xây dựng chương trình ĐTTX. Tháng 4-2009, ĐHCT thành lập Trung tâm ĐTTX trực thuộc trường (sau này đổi tên Trung tâm liên kết đào tạo). Từ 4 ngành lúc mới thành lập, đến nay đã có 14 ngành ĐTTX mở tại các đơn vị liên kết ở ĐBSCL; quy mô hơn 3.630 học viên (trong khoảng 14.000 học viên hệ ngoài chính quy). Năm 2017, chỉ tiêu tuyển của ĐTTX 5.000 học viên. Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, việc đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo; nhất là ĐTTX nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vùng ĐBSCL.

Hướng phát triển ĐTTX

Theo cán bộ quản lý các trường ĐH ở Cần Thơ, từ năm 1993, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, đơn vị đầu tiên trên cả nước mở lớp đào tạo loại hình này; sau đó phát triển tại một số trường ĐH ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ... Thế nhưng, cán bộ các trường thừa nhận, dù có nhiều nỗ lực đầu tư nguồn lực nhưng ĐTTX vẫn chưa thực sự tạo được lòng tin đối với xã hội về mặt chất lượng. Một cán bộ trường cao đẳng ở TP Cần Thơ cho biết, trường có liên kết với ĐH Đà Nẵng để ĐTTX, nhưng số học viên đăng ký ít, không mở được lớp vì người học còn e dè về bằng cấp ĐTTX, tìm việc làm khó khăn. Nguyên nhân nữa, học từ xa đòi hỏi người học có tính độc lập, tự chủ trong việc học tập, mới có thể thụ hưởng kiến thức một cách đầy đủ, hiệu quả; nhưng không phải học viên nào cũng có tố chất này.

Việc đa dạng các hình thức đào tạo, trong đó có ĐTTX giúp ĐBSCL  nói chung, TP Cần Thơ đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng, cũng như tạo điều kiện giúp người học từ xa học tập hiệu quả. Theo Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa, so với trước kia, hiện nay hệ vừa làm vừa học nói chung, ĐTTX nói riêng tuyển sinh khó khăn. Năm 2017, trường tuyển được 88 học viên cho 2 lớp ĐTTX ngành quản trị kinh doanh và luật. Sắp tới, trường sẽ ngưng tuyển sinh một số ngành khó tuyển (giáo dục công dân, khoa học cây trồng). Đồng thời liên kết ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh mở mới một số ngành liên quan xây dựng, kiến trúc…; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học ở hệ vừa làm vừa học, từ xa. Thạc sĩ Khoa nói: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh và trường sẽ triển khai sớm nhất ĐTTX theo hình thức học trực tuyến. Hình thức học này giúp người học học bất cứ nơi nào có kết nối internet, vẫn có thể trao đổi trực tiếp với người dạy, chỉ cần có điện thoại thông minh, máy vi tính nối mạng internet”.

Tại Trường ĐHCT, bên cạnh duy trì hình thức dạy và học hiện nay, dự kiến năm 2018, trường sẽ triển khai tuyển sinh khóa đầu tiên ĐTTX bằng hình thức trực tuyến. Cô Phạm Thị Ngọc Sương, Phó Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo, Trường ĐHCT, cho biết: “Trường sẽ chọn một số ngành học trong số 56 ngành đại học để thực hiện đào tạo hình thức này (tùy theo đơn vị liên kết). Sắp tới, trường sẽ tổ chức hội thảo về ĐTTX để triển khai, ghi nhận ý kiến của đơn vị liên kết… nhằm nâng cao chất lượng hình thức đào tạo này”. 

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết