26/04/2010 - 09:11

Thủ tướng Nhật đau đầu vì căn cứ Futenma

Biểu tình tại Okinawa phản đối sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ thường xuyên diễn ra. Ảnh: AP

Ngày 24-4, Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã bác bỏ thông tin đăng tải một ngày trước đó trên báo Mỹ Washington Post, trong đó nói rằng Tokyo đồng ý về cơ bản với kế hoạch di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ từ trung tâm tỉnh Okinawa ra Henoko, thị trấn duyên hải ít dân cư hơn. Theo Washington Post, Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada đã thông báo điều này trong cuộc gặp với đại sứ Mỹ John Roos ngày 23-4.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Hatoyama khẳng định báo cáo trên là không đúng sự thật và ông không bao giờ chấp nhận kế hoạch này, được chính phủ tiền nhiệm ký với Washington hồi năm 2006. Theo ông, xây dựng một căn cứ không quân mới tại vùng duyên hải Okinawa sẽ hủy hoại môi trường sống của sinh vật biển và đây là “sự báng bổ đối với thiên nhiên”. Mặt khác, người dân Henoko cũng phản đối sự xuất hiện của lính Mỹ tại khu vực của họ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Okada tuy thừa nhận gần đây có gặp đại sứ Roos, nhưng bác bỏ thông tin nói trên. Ông cũng cho rằng thật đáng tiếc khi một báo cáo như vậy được công bố chỉ hai ngày trước khi người dân Okinawa tổ chức biểu tình với qui mô lên tới 100.000 người nhằm phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc biểu tình hôm qua có sự tham gia của tỉnh trưởng Okinawa và hơn 30 thị trưởng.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái, ông Hatoyama lập tức bắt tay vào xây dựng cái mà ông gọi là “mối quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ”, trong đó có việc xem lại các thỏa thuận trước đây giữa hai nước. Ông chủ trương di dời căn cứ Futenma, nơi 4.000 thủy quân lục chiến Mỹ đang đồn trú, ra khỏi đảo Okinawa, thậm chí là ra khỏi lãnh thổ Nhật. Một trong những địa điểm được Tokyo nhắm tới là đảo Tokunoshima thuộc tỉnh Kagoshima, cách Okinawa khoảng 200 km về phía Đông Bắc. Tuy nhiên, hôm chủ nhật tuần trước, khoảng 15.000 người dân đảo này đã biểu tình phản đối ý định của chính phủ. Washington cũng không chấp nhận xây dựng căn cứ mới ở đây và yêu cầu ông Hatoyama tôn trọng thỏa thuận mà chính phủ tiền nhiệm đã ký.

Hiện tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Hatoyama chỉ còn hơn 20% trong khi cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới đang đến gần. Ông Hatoyama đã tự đặt ra thời hạn chót là vào cuối tháng 5 sẽ có câu trả lời cho việc di dời căn cứ Futenma. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa số người dân xứ sở hoa anh đào muốn ông từ chức nếu không giải quyết xong vụ này đúng hẹn. Cái khó của ông Hatoyama là việc chọn lựa bất cứ địa điểm nào để di dời căn cứ Futenma phải được Mỹ đồng ý, người dân địa phương chấp nhận và các đảng trong liên minh cầm quyền hậu thuẫn. Thời gian không còn nhiều nên một số thành viên Chính phủ Nhật cho rằng chấp nhận kế hoạch cũ với một vài điều chỉnh có thể là giải pháp duy nhất. Theo Washington Post, những điều chỉnh đó là sự thay đổi về thiết kế các đường băng và một phần các hoạt động của căn cứ sẽ chuyển sang đảo Tokunoshima.

LÊ DÂN (Theo AFP, Reuters)

 

Okinawa tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích quốc gia nhưng phải “gánh” 27.000 trong tổng số 47.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật, đó là chưa kể 22.000 thân nhân của họ. Hiện Mỹ có 14 căn cứ quân sự ở Okinawa, trong đó có căn cứ không quân Kadena lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương. Theo một thỏa thuận được ký kết đầu năm ngoái, đến năm 2014 sẽ có 8.000 binh sĩ Mỹ ở đây được chuyển sang Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tokyo phải đóng góp trên 6 tỉ USD trong tổng số hơn 10 tỉ USD cho việc di dời và “tái định cư” này.Hầu hết dân Okinawa phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây bởi nó gây ra tiếng ồn cũng như những vụ va chạm giữa lính Mỹ với người địa phương. Đỉnh điểm của sự bất mãn này là việc binh sĩ Mỹ hãm hiếp một bé gái 12 tuổi hồi năm 1995 và một bé gái 14 tuổi cách đây 2 năm.

 

Chia sẻ bài viết