25/11/2018 - 17:04

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 định hướng phát triển kinh tế Cao Bằng

Sáng 25- 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018. Đây cũng là sự kiện xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Cao Bằng - địa phương thuộc diện khó khăn nhất cả nước. 

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức từ trong và ngoài nước đến với Cao Bằng. Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết sẽ luôn duy trì ba ổn định: ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư; ổn định trong tư duy nhất quán phục vụ tốt hơn nữa doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh Cao Bằng cũng tiếp tục kêu gọi 32 dự án đầu tư trong các lĩnh vực: du lịch gắn với giá trị sinh thái bền vững, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông...

Hoan nghênh Cao Bằng đã tổ chức một sự kiện hội nghị xúc tiến đầu tư công phu, quy mô lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng. Thủ tướng nêu ra 3 hướng đi chính cho phát triển kinh tế xã hội của Cao Bằng, gồm: dịch vụ du lịch; nông nghiệp lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu.

Về du lịch, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần đặc biệt coi trọng theo hướng đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng, đưa những di sản văn hóa, di tích quốc gia đặc biệt phục vụ cho quốc kế dân sinh, đặc biệt là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và hơn 215 di tích được xếp hạng.

Về phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng nêu rõ, Cao Bằng có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp. Nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu riêng có, với nguồn gien phong phú. Thủ tướng gợi ý tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ba trụ cột: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến và liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Đặc biệt, Thủ tướng gợi ý Cao Bằng tập trung phát triển ngành xuất khẩu gỗ rừng trồng - một mặt hàng xuất khẩu chủ lực và là thế mạnh của Việt Nam. Cùng với đó là nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để định hướng nâng cao chất lượng hàng hóa.

Cho rằng, phát triển kinh tế cửa khẩu là một hướng ra trọng tâm của Cao Bằng, là chìa khóa hội nhập và phát triển, Thủ tướng đề nghị tỉnh “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế giới”.

 Để phát huy được lợi thế của địa phương, Thủ tướng đề nghị Cao Bằng cần chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Theo đó, ngoài lĩnh vực giao thông, tỉnh cần chú ý đầu tư cho nguồn vốn con người, nhất là đào tạo lao động có kỹ năng chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

Truyền tải thông điệp với nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh Cao Bằng là cái nôi của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Đầu tư ở đây, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế, còn tạo ra được việc làm và thu nhập cho đồng bào còn đang rất nghèo. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân địa phương.

Tại Hội nghị, tỉnh Cao Bằng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng giá trị 3.581 tỉ đồng; trao 16 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới trên 28.500 tỉ đồng. Cũng tại hội nghị, 4 Ngân hàng Thương mại tiếp tục cam kết tài trợ vốn tín dụng cho 6 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch... với số tiền gần 2.000 tỉ đồng.

TTXVN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cao Bằng