14/10/2017 - 17:40

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng 

Sáng 14-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện các cơ quan chuyên biệt về quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. Đáng chú ý, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 phương hướng lớn làm định hướng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới. Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng 14.377.682ha, tăng 315.826ha so với năm 2015. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558.646ha, giảm 3.170ha so với năm 2015.

Tổng hợp báo cáo các địa phương, giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật là 4.218ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất do cả hành vi vi phạm pháp luật và chuyển mục đích sử dụng rừng. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật; riêng khu vực Tây Nguyên phát hiện 757 vụ,tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại 418ha, tăng 145ha (53%) so với cùng kỳ 2016.

Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện, xử lý.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, độ che phủ rừng của Việt Nam đã được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước.

Khẳng định lại một lần nữa vị trí của rừng đối với nhiệm vụ đảm bảo kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường, sinh thái như câu nói “rừng là vàng” của Bác Hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Phân tích những tồn tại trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, Thủ tướng lo lắng trước tình trạng diện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục giảm do nạn phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn. Còn tình trạng 1 số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn không theo quy định.

“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?”, Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ đạo những địa phương để xảy ra phá rừng phải xử lý cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng kiểm lâm khi phát hiện sai phạm.

Thủ tướng đề nghị xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng để “lập lại kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ rừng” thông qua các biện pháp, chế tài đủ mạnh.

Nhấn mạnh đến tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Thủ tướng định hướng 3 chủ trương lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không thai thác gỗ rừng tự nhiên, coi đây là hành động nhất quán của các cấp, các ngành. Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là không cải tạo rừng nghèo kiệt khi chưa đánh giá có cơ sở khoa học, không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ để sản xuất.

QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết