16/06/2018 - 17:58

Hội nghị Cấp cao ACMECS 8

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS 

Ngày 16-6, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 8 (ACMECS 8). Hội nghị có sự tham dự của người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang) và các trưởng đoàn tại Lễ khai mạc. Ảnh: THỐNG NHẤT - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang) và các trưởng đoàn tại Lễ khai mạc. Ảnh: THỐNG NHẤT - TTXVN

Với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập", ACMECS 8 đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mekong.

Theo đó, các nước ACMECS sẽ tập trung hợp tác vào ba trụ cột chính. Thứ nhất, kết nối thông suốt về hạ tầng cứng: Thúc đẩy kết nối các phương tiện vận tải đa phương thức. Thứ hai, kết nối hạ tầng mềm: Tăng cường hợp tác trong hài hoà và đơn giản hóa các quy tắc và quy định để tạo thuận lợi cho sự di chuyển của con người, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư;... Thứ ba, phát triển thông minh và bền vững: Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chiến lược; chú trọng quản lý bền vững tài nguyên nước và các lĩnh vực chiến lược khác như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị cấp cao ACMECS 8, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước thành viên. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hợp tác ACMECS có thể phát huy nội lực, đồng thời tạo cơ sở huy động sự tham gia của các đối tác phát triển vào cơ chế hợp tác giữa 5 nước này.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS, cụ thể là Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng; Cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS. Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mekong khác. Hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kết nối giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo về môi trường và quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.

* Ngay sau Hội nghị Cấp cao ACMECS 8, chiều 16-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 9 (CLMV 9) tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Với chủ đề "Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn", hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị Cấp cao CLMV 8 tại Hà Nội (10/2016) và thảo luận phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm sự phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác và phối hợp chặt chẽ sẽ giúp các nước CLMV vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Về định hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối nhiều mặt giữa bốn nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của CLMV.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất. Thứ nhất, hợp tác ACMECS (hay CLMV) cần tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phù hợp với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực hạn chế và cả bốn nước đều tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác Mekong; một số lĩnh vực cần chú trọng như kết nối hạ tầng mềm, nông nghiệp và du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Thứ hai, sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án chung liên quốc gia (lồng ghép nội dung của CLMV vào các cơ chế hợp tác Mekong khác, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác phát triển tại các cuộc họp và thực hiện dự án). Thứ ba, xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các hoạt động.

TTXVN

Chia sẻ bài viết