12/10/2017 - 22:19

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ 

Ngày 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng thị sát, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ tại Ninh Bình. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, những ngày qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn, diện rộng, kéo dài, gây sạt lở đất, lũ lụt làm nhiều người chết và mất tích, thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhân dân và Nhà nước tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An. Tại tỉnh Ninh Bình mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đã vượt mức lũ lịch sử năm 1985, đã phải di dời dân cư sẵn sàng xả lũ vào vùng Nho Quan, Gia Viễn để bảo vệ đê.

Hiện nay, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong những ngày tới, lũ hạ lưu một số sông còn ở mức cao, thiên tai còn diễn biến phức tạp, tiếp theo Công điện số 1533/CĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2017, để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, hạn chế thiệt hại tiếp tục xảy ra, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Mưa lũ tại Hòa Bình. Ảnh: VGP

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống, đề phòng xảy ra sạt lở đất sau nhiều ngày mưa lớn, đất bão hòa nước.

Ủy ban nhân dân địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Hỗ trợ mai táng người bị nạn và tổ chức chu đáo việc mai táng cho những người bị nạn không còn người thân thích; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. Bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các khu vực xung yếu. Tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. 

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai,...

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả theo quy định.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải tạm hoãn chương trình tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng, di chuyển tới tỉnh Ninh Bình để thị sát, chỉ đạo việc gia cố, ứng phó mưa lũ và bảo vệ đê Hoàng Long -  tuyến đê xung yếu bảo vệ thành phố Ninh Bình và tuyến Quốc lộ huyết mạch 1A.

TTXVN

Theo báo cáo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 16 giờ ngày 12-10, mưa lũ đã làm 102 người chết, mất tích và bị thương, trong đó có 38 người bị chết, 42 người bị mất tích, 22 người bị thương.

Mưa lũ cũng khiến 235 ngôi nhà bị cuốn trôi, 1.367 ngôi nhà bị thiệt hại từ nặng đến rất nặng, trên 17.000 ngôi nhà bị ngập nước, 746 ngôi nhà phải di dời. Mưa lũ cũng khiến trên 8.000ha lúa và 26.691ha hoa màu bị úng ngập, thiệt hại; 1.186 con gia súc, 46.945 con gia cầm bị cuốn trôi…

(Nguồn: PV/Báo Tin Tức)

Chia sẻ bài viết