05/09/2017 - 06:43

Thu hoạch lúa thu đông, mở đồng đón lũ 

Nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã và đang tích cực thực hiện biện pháp nhằm bảo vệ và thu hoạch tốt các diện tích lúa thu đông 2017. Năm nay, dự báo lũ về nhiều, ngay sau thu hoạch lúa nhiều bà con nông dân đã chủ động làm vệ sinh đồng ruộng, mở đồng đón lũ bồi bổ phù sa và tiêu diệt mầm sâu bệnh giúp cho vụ sản xuất lúa quan trọng  tới đây là đông xuân 2017-2018 tiếp tục thắng lợi.

Lúa thu hoạch bằng máy

Thời điểm này, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2017. Thời gian qua, tình hình thời tiết và thủy triều tiếp tục diễn biến phức tạp và trời nhiều lúc có mưa đã gây không ít khó khăn cho nông dân. Tuy nhiên, bà còn thực hiện việc chọn giống tốt, bón phân cân đối và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, giúp cây lúa chắc khỏe, ít bị đổ ngã và tiêu thoát nước phù hợp nên có nhiều thuận lợi trong thu hoạch. Nhìn chung, hầu hết các trà lúa thu đông 2017 đang bước vào thu hoạch đều được nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp, tiết kiệm thời gian và chi phí so với thu hoạch thủ công bằng tay. Giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa thu đông tại nhiều quận, huyện đang chỉ ở mức 270.000-290.000 đồng/công.

Thu hoạch lúa thu đông 2017 bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai. Ảnh: Khánh Trung

Anh Phan Thanh Điền ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các vụ lúa trước, vụ này nông dân chủ động  thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước cho ruộng lúa trong giai đoạn lúa chín chuẩn bị thu hoạch, hạn chế tình trạng nền đất ruộng bị lún và sình lầy, tạo thuận lợi đưa máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa vào vận hành thu hoạch lúa”. Bà Lê Thị Loan, ngụ ấp Trường Phú A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp lúa ít bị đổ ngã và tiêu thoát nước kịp thời cho ruộng lúa, 2 công lúa thu đông 2017 của gia đình tôi đã thu hoạch bằng máy gặt liên hợp một cách thuận lợi. Vụ này, lúa đạt năng suất không cao, nhưng bù lại lúa bán được giá cao hơn từ 250-500 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi, tiêu thụ khá dễ”. Cũng theo bà Loan, năm nay nước lũ  về nhiều, ngay sau thu hoạch lúa bà sẽ dọn cỏ, xử lý rơm rạ và xới đất rồi mở bờ bao cho nước lũ vào ruộng ngay để bồi bổ phù sa cho đất giúp vụ sản xuất lúa tới đây trúng mùa. Bởi các năm trước, bà Loan chủ động xả lũ vào đồng là làm lúa rất trúng và lúa cũng ít sâu bệnh.

“Mở đồng” đón lũ

Vụ thu đông 2017, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống được 73.021ha đạt 139% so với kế hoạch, thấp hơn 1.396ha so với cùng kỳ. Để bảo vệ và thu hoạch tốt các diện tích lúa thu đông 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố yêu cầu ngành nông nghiệp các quận, huyện hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên và có kế hoạch kiểm tra, giám sát, gia cố đê bao, theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất và kịp thời khắc phục ngập úng cục bộ và chủ động chuẩn bị phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục xuống giống lúa thu đông nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và tránh thiệt hại do mưa lũ.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ khuyến cáo, nông dân cần quan tâm việc “mở đồng” đón lũ vào ruộng để lấy phù sa và tận dụng nước lũ để nhấn chìm, tiêu diệt các đối tượng dịch hại, không để chúng lây lan sang vụ lúa tiếp theo. Đối với với các diện tích lúa thu đông thu hoạch sớm, nếu có điều kiện nông dân có thể phát triển nuôi trồng, đánh bắt các loại thủy sản mùa lũ để tăng thêm thu nhập. Còn nếu không có điều kiện nuôi thủy sản, ngay sau thu hoạch lúa, nông dân cần tranh thủ trục xới và làm vệ sinh đồng ruộng  rồi cho nước lũ vào.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, lúa thu đông 2017 đang chủ yếu tập trung ở giai đoạn đòng đến chín, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Đến ngày 23-8, đã có hơn 2.777ha lúa thu đông trên địa bàn thành được thu hoạch, ước đạt năng suất 49,93 tạ/ha, tăng 0,71 tạ/ha so với cùng kỳ. 

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết