01/09/2017 - 19:21

Thông tuyến khám, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phấn khởi 

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), hơn 1 năm qua, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại Trạm y tế tuyến xã hoặc Phòng khám đa khoa hoặc Bệnh viện tuyến huyện có thể chọn KCB BHYT tại Trạm y tế tuyến xã hoặc Phòng khám đa khoa hoặc Bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, là được hưởng 100% chi phí BHYT. Ở TP Cần Thơ, người tham gia BHYT rất phấn khởi, tin tưởng chính sách thông tuyến KCB BHYT...

Người dân KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức.

Tăng cơ hội chọn lựa cho bệnh nhân

Trước đây, nhiều người e ngại khi tham gia BHYT, bởi thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng việc KCB. Nếu đăng ký KCB ban đầu tại Trạm y tế xã, mỗi khi bệnh nặng, cần khám tại bệnh viện huyện thì phải xin giấy giới thiệu từ Trạm y tế xã. Nếu đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện huyện, mỗi khi bệnh nhẹ, muốn khám tại Phòng khám đa khoa hoặc Trạm y tế xã thì người tham gia BHYT không hưởng hết quyền lợi.

Nếu khám trái tuyến (trái nơi đăng ký KCB ban đầu, nhưng tại bệnh viện tương đương với bệnh viện nơi đăng ký KCB ban đầu), chỉ hưởng 70% chi phí KCB… Vì những hạn chế trên, nhiều người có tâm lý e ngại tham gia BHYT. Hiện nay, khi thông tuyến, thay vì đến đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, người bệnh có quyền chọn khám, điều trị tại các bệnh viện từ cấp huyện trở xuống trong cùng địa bàn tỉnh nhưng vẫn hưởng 100% chi phí BHYT.

Bà Đặng Thị Lang (ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn) cho biết: “Tôi đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Trung tâm Y tế quận Ô Môn. Bây giờ, ngoài KCB ở Trung tâm y tế quận, tôi có thể đến KCB tại Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo (đường Nguyễn Văn Linh, phường An Khánh, quận Ninh Kiều) hoặc Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức (ở quận Bình Thủy) vẫn được thanh toán BHYT. Trước những quy định mới này, không chỉ tôi mà nhiều người tham gia BHYT khác cũng rất phấn khởi, vì chúng tôi được quyền lựa chọn nơi KCB chất lượng, thái độ phục vụ bệnh nhân tốt”.

BHYT là điểm tựa vững chắc cho nhiều bệnh nhân nghèo, nhất là người bệnh hiểm nghèo. Trường hợp bà Trần Thị Xiêm (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) là một điển hình. Bà Xiêm bị suy thận mãn tính, thường đến cơ sở y tế lọc thận. Trước đây, bà lọc thận ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Hiện nay, bà Xiêm chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức (đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy), bệnh viện ngoài công lập có ký hợp đồng KCB BHYT. Bà Xiêm cho biết: “Ngoài trang thiết bị hiện đại, phòng khám sạch sẽ, đội ngũ y, bác sĩ rất tận tình, chất lượng phục vụ tốt hơn. Hơn nữa, bệnh viện này thực hiện quy định thông tuyến BHYT, tôi an tâm về chi phí điều trị”.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Ở TP Cần Thơ, sau thời gian thực hiện quy định thông tuyến KCB BHYT, số lượt bệnh nhân đến KCB bằng BHYT tăng lên đáng kể, đặc biệt tại các bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân. Để thu hút bệnh nhân đến KCB, các cơ sở y tế đổi mới quy trình phục vụ bệnh nhân, triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới.

Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức, cho biết “Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến KCB BHYT mỗi ngày. Bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến quy trình KCB BHYT từ khâu tiếp nhận đến cấp thuốc.

Nhờ vậy, dù bệnh nhân đông nhưng thủ tục KCB BHYT nhanh chóng, chính xác, chặt chẽ hơn trước. Sắp tới, Bệnh viện sẽ triển khai một số kỹ thuật mới như: nội soi tai, mũi, họng, tiêu hóa, dạ dày, đại tràng...”. 

Việc triển khai thông tuyến KCB BHYT trên địa bàn TP Cần Thơ đồng nghĩa với việc người bệnh có quyền lựa chọn cơ sở KCB tốt nhất để điều trị. Điều đó đòi hỏi các cơ sở KCB phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị. 

Thời gian qua, để quản lý tốt Quỹ BHYT, đảm bảo đúng người, đúng quyền lợi, ngành BHXH thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, xác định đúng người có thẻ BHYT khi đến KCB tại các cơ sở y tế. Đồng thời, ngành BHXH cũng tăng cường biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu KCB tại các cơ sở y tế.

Theo đó, khi bệnh nhân đến KCB chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ BHYT, sẽ xuất hiện thông tin thời gian qua bệnh nhân khám và điều trị ở đâu, sử dụng thuốc loại nào…. Đây là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí KCB đối với trường hợp trục lợi Quỹ BHYT.

Việc thông tuyến KCB BHYT tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng trong thành phố nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút bệnh nhân. Và điều quan trọng hơn, bệnh nhân hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết