03/12/2016 - 17:06

Thông điệp từ cuộc điện đàm

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa nhận được cuộc điện thoại kéo dài 10 phút từ nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Ngay sau đó như thường thấy, ông Trump viết trên tài khoản mạng Twitter: "Lãnh đạo Đài Loan đã gọi cho tôi hôm nay (2-12) để chúc mừng tôi đắc cử tổng thống. Xin cám ơn". Trong một thông cáo, văn phòng tổng thống đắc cử Mỹ giải thích thêm "Tổng thống đắc cử Trump chúc mừng bà Thái trở thành lãnh đạo Đài Loan hồi đầu năm nay", đồng thời hai bên thảo luận và ghi nhận "các mối quan hệ gần gũi về kinh tế, chính trị và an ninh giữa Mỹ và Đài Loan".

Cơ quan thông tấn Đài Loan (CNA) ca ngợi sự kiện trên là "lịch sử". Văn phòng chính quyền Đài Bắc cho hay nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói với Donald Trump rằng bà "ngưỡng mộ chiến thắng khó khăn" của ông Trump và "hy vọng Mỹ có thể tiếp tục hậu thuẫn Đài Loan trong các cơ hội tham gia và đóng góp vào các vấn đề quốc tế".

Tuy nhiên, sự kiện đầy bất ngờ ấy lại là một vấn đề ngoại giao cực kỳ nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc, quốc gia coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, một vị tổng thống hoặc tổng thống đắc cử Mỹ trực tiếp điện đàm với một nhà lãnh đạo chính quyền Đài Loan.

Cần biết là từ năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter chính thức công nhận Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc và Đài Loan, và một năm sau, Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc bằng việc đóng cửa cơ quan đại diện Mỹ ở Đài Loan. Trên thực tế, chính quyền Mỹ đã theo đuổi chính sách "một Trung Quốc" từ năm 1972, thời điểm Tổng thống Richard M. Nixon thăm Bắc Kinh.

Báo chí Mỹ và phương Tây nhận định hành động của ông Trump gây giận dữ và làm căng thẳng với Trung Quốc. Vì thế, người phát ngôn của ông Trump là bà Kellyanne Conway lên tiếng phân minh rằng Tổng thống đắc cử Mỹ "nhận thức rõ và đầy đủ" chính sách ngoại giao hiện nay của Washington đối với Đài Bắc.

Sau thông báo bất ngờ của ông Trump, chính quyền Tổng thống Barack Obama, mà đại diện là người phát ngôn về vấn đề an ninh quốc gia Ned Price, nói rằng chính sách "một Trung Quốc" dài hạn của Washington đối với Đài Bắc sẽ "không thay đổi", bởi "lợi ích cơ bản của Mỹ là mối quan hệ hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan".

Tuy nhiên, cựu giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề châu Á của ông Obama là Evan Madeiros tin rằng cuộc điện đàm là thông điệp thay đổi lịch sử của ông Trump. Thách thức có lẽ thuộc về Trung Quốc. Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh, đánh giá đây là "thách thức đầu tiên mà Tổng thống đắc cử Mỹ tạo ra cho Trung Quốc. "Đây chắc chắn là thông tin xấu cho giới lãnh đạo Trung Quốc" - ông Shi bình luận. Theo ông Shi, tỉ phú Trump đã chạm vào "điểm nhạy cảm nhất" trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh có thể coi đó là hành vi khuyến khích bà Thái, thủ lĩnh của đảng Dân Tiến ủng hộ Đài Loan độc lập với Đại lục, tiếp tục gây áp lực chia cắt với Bắc Kinh.

Tuy vậy, để làm nhẹ động thái của ông Trump, trong một diễn đàn hàn lâm tại Bắc Kinh ngày 3-12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mỉa mai rằng phía Đài Loan vừa thực hiện "hành động vụn vặt" và không thể làm thay đổi chính sách "một Trung Quốc" mà chính phủ Mỹ cam kết duy trì dài lâu với Bắc Kinh. Ông Vương nhấn mạnh "nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ Mỹ-Trung".

Cũng trong cuộc điện đàm từ Philippines, ông Trump đã mời Tổng thống Rodrigo Duterte thăm Mỹ vào năm tới. Ông Duterte hoan hỉ cho biết ông Trump đánh giá cuộc chiến chống ma túy ở Philippines là "đúng hướng" và mong rằng nó sẽ thành công.

Khó có thể đoán trước tương lai quan hệ đối ngoại cụ thể của nhà lãnh đạo chưa từng có kinh nghiệm chính trường và ngoại giao, nhưng ông Trump đã chứng tỏ ước muốn thay đổi như cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết