26/11/2017 - 16:12

Thói quen khó bỏ? 

Chuyện vi phạm tác quyền không phải mới nhưng ngày càng phổ biến trong làng giải trí Việt, nhất là ở các chương trình truyền hình thực tế. Dù các nghệ sĩ đổ lỗi cho sự chủ quan, thiếu hiểu biết, không để ý… song điều đó chứng tỏ sự kém cỏi, không tôn trọng luật pháp và làm xấu hình ảnh nghệ sĩ Việt.

Mới đây, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của ca sĩ Noo Phước Thịnh bị gỡ khỏi YouTube khi đã đạt gần 30 triệu lượt người xem trong vòng chưa đầy 1 tháng ra mắt. Bởi Noo Phước Thịnh đã vi phạm bản quyền khi sử dụng một đoạn nhạc nền mà không xin phép. Hiện, ca sĩ trẻ đã phải cắt bỏ phân đoạn đó trong MV và ra mắt trở lại, trầy trật tìm lại người xem. Noo Phước Thịnh thừa nhận: “Phía Noo đã sơ suất, chưa xin phép chủ sở hữu mà tự ý lấy phần nhạc nền này”. Trước đó, ca sĩ Mỹ Tâm cũng buộc phải khóa MV “Anh thì không” vốn được người hâm mộ yêu thích, cũng bởi Mỹ Tâm hát ca khúc ghi “nhạc Pháp lời Việt”, mà không ghi tên, xin phép tác giả lời Việt- nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Ca sĩ Noo Phước Thịnh và hình ảnh MV bị YouTube gỡ do có xác nhận quyền sở hữu bản quyền từ Epic Elite. Ảnh: DUY KHÔI

Ở những sân chơi toàn cầu như YouTube, hễ nghệ sĩ bị phát hiện vi phạm bản quyền là bị khóa, xóa sản phẩm một cách “thẳng tay”. Thế nhưng vấn nạn này lại nhức nhối và công khai trên các chương trình truyền hình thực tế của ta, nhất là của Đài PT-TH Vĩnh Long. Mới đây, nhà sản xuất phim “Lô tô” đã phản ứng khi chương trình “Thử tài siêu nhí” có tiểu phẩm y hệt nội dung phim. Rồi chuyện nghệ sĩ Gia Bảo sao chép nguyên xi kịch bản “Tía ơi, má dìa!” của nghệ sĩ Thành Lộc lên sân khấu “Sao nối ngôi”. Kết thúc chương trình “Kịch cùng Bolero”, danh tính đạo diễn Vũ Trần được nhắc đến nhiều không phải bởi quá tài năng mà do anh thường xuyên… vi phạm bản quyền. Những sản phẩm do anh dàn dựng như “Xuất giá tòng phu”, “Nợ sữa”… đều không xin phép chủ sở hữu nguyên tác.

Nếu phải điểm danh những vụ vi phạm bản quyền của nghệ sĩ Việt thời gian gần đây chắc phải ghi vài mươi trang giấy. Dường như tư tưởng “xài chung” hiện hữu trong suy nghĩ rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Buồn cười là khi bị lên án, phản ứng, họ đều lý giải rất “thơ ngây” rằng:  Do không biết, do sơ suất, do không biết luật… Đã là một nghệ sĩ có thương hiệu và “bơi ra biển lớn”, mà giải thích vậy chẳng lọt tai chút nào. Nhưng buồn cười nhất có lẽ là chuyện nghệ sĩ Gia Bảo, khi “sao chép” kịch bản người khác thì quay clip phân bua rằng: Ông nội không ở gần, bác ruột không thích gameshow… nên hổng có ai chỉ dẫn. Bản lĩnh nghệ sĩ đâu rồi?

“Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”- không ai sinh ra đã có sẵn hành vi ăn cắp. Chỉ đó điều, sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong lao động nghệ thuật lâu dần thành cái tật. Một lần, hai lần… rồi thành thói quen và lâu dần làm thui chột sự sáng tạo, đầu tư của các nghệ sĩ.

Thế nhưng một số trường hợp không thể chỉ đổ lỗi cho nghệ sĩ- nhất là truyền hình thực tế. Trách nhiệm của nhà sản xuất, đài truyền hình ở đâu trong khâu kiểm duyệt, phát sóng? Trong những sự cố, nghệ sĩ đứng trước mũi sào dư luận, còn cả một ê kíp hùng hậu phía sau từ ghi hình đến biên tập, kiểm duyệt phát sóng vẫn cứ lặng im mà né tránh. Việc để lọt lên sóng truyền hình những kịch bản vi phạm bản quyền, thì trách nhiệm của nhà đài là trước nhất. Bài học từ trang YouTube đã rành rành, chỉ cần một thông báo vi phạm, họ sẽ gỡ sản phẩm đó ngay và luôn!       

 ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết