05/11/2017 - 13:30

Thời phi công “lên giá” 

Đi lại bằng đường hàng không ngày càng phổ biến khiến nhu cầu tuyển dụng phi công tăng cao. Điều này cho phép các phi công giờ đây ở vào vị trí được quyền lựa chọn những hãng hàng không nào đưa ra mức lương hoặc điều kiện làm việc tốt hơn. Tình huống mà AFP nhận định là có thể tác động đến một số hãng giá rẻ.

Cụ thể, cuộc khủng hoảng “phi công” đã ảnh hưởng tới Ryanair khi hãng hàng không giá rẻ Ireland buộc phải hủy 20.000 chuyến bay trong giai đoạn từ tháng 9 năm nay đến tháng 3-2018. Nguyên do là vì hãng không có đủ phi công, cùng với sự ra đi của các phi công đang tìm kiếm điều kiện lao động tốt hơn ở nơi khác.

Ảnh: Wearskypro

Trong năm nay, hãng hàng không giá rẻ Norwegian (Na Uy) đã chiêu mộ được 160 cựu phi công của Ryanair, dù mới đạt 25% trong số lượng tuyển dụng dự kiến hơn 600 người trong năm 2017. “Hiện nay tất cả các hãng hàng không đang thuê phi công, nhất là các hãng truyền thống. Và do những hãng này đưa ra điều kiện làm việc tốt hơn so với Ryanair, nên phi công lựa chọn họ sẽ đến nơi có đãi ngộ tốt hơn” - Christophe Tharot, người đứng đầu Liên đoàn phi công SNPL của Pháp, lý giải về tình trạng “chảy máu” phi công ở Ryanair.

Giống như Ryanair, thiếu hụt phi công cũng khiến hãng hàng không giá rẻ Air Do (Nhật Bản) phải hủy 34 chuyến bay trong tháng 11, gây ảnh hưởng đến 2.400 hành khách.

Cùng chung xu hướng tăng cường nhân lực, Air France đã bắt đầu tìm kiếm thêm phi công sau 7 năm “đóng băng” việc tuyển dụng trong nỗ lực giảm chi phí để đối phó với sự cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ. Theo kế hoạch đến năm 2025, Air France dự định tuyển thêm 200-250 phi công/năm. 

Trong khi đó, hãng hàng không Đức Lufthansa đưa ra mức tiền thưởng 20.000 euro dành cho 15 phi công đầu tiên chấp nhận điều khiển các máy bay mà họ tiếp quản từ Air Berlin để đảm bảo không cần phải hủy bất kỳ chuyến bay nào. Còn theo kế hoạch dài hạn, Lufthansa sẽ tuyển thêm 700 phi công mới cho đến năm 2022.

Một phi công giấu tên từng làm việc tại Ryanair cho hay sự chuyển hướng trong tuyển dụng ở thị trường lao động hàng không đã khởi động cách đây 2-3 năm, khi mà các hãng hàng không Mỹ bắt đầu chiêu mộ phi công trên thế giới - bao gồm những phi công đến từ các hãng ở vùng Vịnh. Tình trạng thiếu hụt phi công đã lên tới mức mà họ muốn lôi kéo cả những giáo viên hướng dẫn tại các trường đào tạo phi công như Đại học hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC)- theo cựu lãnh đạo ENAC Marc Houalla.

Theo AFP, nhu cầu gia tăng về tuyển dụng phi công có liên quan đến việc những người thuộc thế hệ “baby-boomer” (sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh từ 1946-1964) bước vào tuổi nghỉ hưu và bắt đầu có nhu cầu đi nghỉ dưỡng. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán số người đi lại bằng máy bay sẽ tăng gần gấp đôi lên 7,8 tỉ lượt vào năm 2036. Theo IATA, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết