25/04/2018 - 07:18

Thới Lai rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới 

Năm 2017,  huyện Thới Lai công nhận nông thôn mới vượt 1 xã so với kế hoạch. Năm nay, huyện phấn đấu vượt thêm 1 xã nữa để đến năm 2019  hoàn thành xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tất cả 12 xã và tiến tới danh hiệu huyện nông thôn mới vào năm 2020. Kế hoạch nói trên không chỉ giúp Thới Lai rút ngắn lộ trình XDNTM mà còn tạo điều kiện để huyện có thời gian, tranh thủ nguồn lực đầu tư nâng chất, củng cố các xã được công nhận trước đó.  

Lãnh đạo thành phố tham quan máy móc trang bị tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi, xã Trường Xuân. Ảnh: MỸ THANH
Lãnh đạo thành phố tham quan máy móc trang bị tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lợi, xã Trường Xuân. Ảnh: MỸ THANH

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Thới Lai, tính đến hết quý I/2018, tổng nguồn vốn phục vụ XDNTM trên địa bàn huyện hơn 408,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trên 131,2 tỉ đồng, vốn huy động gần 277,33 tỉ đồng. Hiện huyện Thới Lai ra mắt  8/12 xã nông thôn mới. Các xã còn lại: Trường Xuân B đạt 15/19 tiêu chí, Tân Thạnh 14 tiêu chí, Thới Tân 13 tiêu chí và Xuân Thắng 11 tiêu chí. Năm 2011, ngay từ khi bắt đầu bắt tay vào XDNTM, Huyện ủy Thới Lai đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Đồng thời, phân công các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách chỉ đạo 12 xã; các trưởng, phó ban ngành đoàn thể huyện chỉ đạo trực tiếp các ấp về XDNTM. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên đến địa bàn các xã để kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Từ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao này, Chương trình XDNTM của huyện Thới Lai mới đạt được thành quả như ngày hôm nay.

Kết quả đạt được là vậy, song XDNTM ở Thới Lai vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Nan giải nhất vẫn là nguồn vốn phục vụ XDNTM. Năm 2018, vốn xây dựng cơ bản thành phố bố trí cho huyện là 108 tỉ. Trong khi đó, để hoàn thành XDNTM tại 1 xã phải cần khoảng 100 tỉ. Do đó, đầu tư cho nông thôn mới phải tính toán rất kỹ và phân kỳ hợp lý nếu không sẽ rơi vào tình trạng nợ tiêu chí hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản”. Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Thới Lai, tuy có nhiều chuyển biến, thay đổi về nhận thức nhưng một số ít cán bộ, địa phương vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước chưa thực sự quan tâm trong công tác vận động, khai thác các nguồn lực trong cộng đồng để thực hiện các tiêu chí.

Trong năm 2018, Thới Lai đặt mục tiêu công nhận thêm 2 xã Tân Thạnh, Trường Xuân B và phấn đấu thêm xã Thới Tân đạt chuẩn nông thôn mới. Lộ trình đến năm 2019, huyện Thới Lai sẽ công nhận xã còn lại: Xuân Thắng và chuẩn bị mọi mặt tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020. "Mục tiêu rút ngắn thời gian XDNTM tại các xã là để phát huy tối đa nguồn lực hiện có tại các địa phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi  để huyện có thời gian, tranh thủ nguồn lực đầu tư nâng chất, củng cố các xã được công nhận trước đó"- ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai nói. Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, bám sát mục tiêu này, huyện đề ra nhóm giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp; đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kinh tế, xã hội; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời, kiến nghị thành phố mở các lớp tập huấn, đào tạo và đào tạo lại cho các cán bộ chuyên trách thực hiện các tiêu chí nông thôn mới từ huyện đến xã; phân bổ vốn để xây dựng tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa tại các xã dự kiến công nhận nông thôn mới trong năm 2018.

  Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu 3 xã dự kiến công nhận nông thôn mới trong năm nay của huyện Thới Lai phải tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông thôn mới cho người dân. Đồng thời, phát động phong trào thi đua nước rút trong XDNTM như cùng tăng gia sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường, làm đường giao thông nông thôn… Song song đó, các xã rà soát lại xem tiêu chí nào đạt, chưa đạt và xác định nguyên nhân do đâu để đề ra giải pháp, kế hoạch thực hiện ngay từ bây giờ.

Về phía các xã cũng đã chủ động lên kế hoạch hoàn thành các tiêu chí chưa đạt và nâng chất các tiêu chí đã đạt. Ông Nguyễn Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B, cho biết: “Trường Xuân B dự kiến sẽ được công nhận xã văn hóa nông thôn mới cuối năm nay. Để tạo thuận lợi trong việc hoàn thành Bộ Tiêu chí về nông thôn mới, chúng tôi đề nghị xem xét và bãi bỏ việc thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ngoài ra, cấp trên cần bố trí vốn kịp thời để xây dựng hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch đề ra”. Theo ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, xã xác định XDNTM là dựa vào nội lực của cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 phần trực tiếp để phát huy sự đóng góp của cộng đồng. Đơn cử như tiêu chí về giao thông, xã tiếp tục làm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước 40%, nhân dân 60%) đối với đường giao thông nông thôn 2m; tuyến Kinh Đình 1.034m, tuyến Ngã Giữa (bên trái) dài 2.629m… Riêng tuyến đường 4m Trà Vơ lớn (bên phải) dài 5.000m Nhà nước  làm bê-tông mặt đường, nhân dân sẽ hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc… làm đường.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: “XDNTM ở huyện Thới Lai được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao. Năm ngoái, huyện đã công nhận vượt so với kế hoạch 1 xã (Trường Thắng). Kết quả này không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM của huyện mà còn cả thành phố. Năm nay, huyện tiếp tục đặt mục tiêu công nhận vượt 1 xã và nếu cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực, quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công”.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết