19/06/2018 - 07:39

Thỏa thuận hòa bình ở Colombia lâm nguy 

Ứng viên cánh hữu Ivan Duque đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Colombia vòng 2 hôm 17-6, sau chiến dịch vận động với cam kết điều chỉnh thỏa thuận hòa bình đạt được với Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) hồi năm 2016.

Tổng thống đắc cử Ivan Duque và bà Lucia Ramirez mừng chiến thắng ở Thủ đô  Bogota. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Ivan Duque và bà Lucia Ramirez mừng chiến thắng ở Thủ đô  Bogota. Ảnh: AP

Theo ủy ban bầu cử Colombia, ông Duque giành được 54% số phiếu ủng hộ, so với 41,8% của đối thủ cánh tả Gustavo Petro, người ủng hộ thỏa thuận hòa bình. Khi nhậm chức dự kiến vào ngày 7-8 tới, ông Duque, 42 tuổi, sẽ là tổng thống trẻ nhất của Colombia kể từ năm 1872. Người liên minh với ông và sẽ trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Colombia là bà Marta Lucia Ramirez. Ông Duque là ứng viên của đảng cực hữu Trung tâm Dân chủ do cựu Tổng thống Alvaro Uribe sáng lập năm 2013.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên sau khi Chính phủ Colombia dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Juan Manuel Santos ký thỏa thuận hòa bình với FARC, qua đó chấm dứt 5 thập kỷ giao tranh khiến hơn 220.000 người thiệt mạng và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.  Phần lớn trong số hơn 7.000 tay súng nổi dậy FARC đã giao nộp vũ khí và bắt đầu cuộc sống mới. Theo thỏa thuận trên, FARC chuyển mình thành đảng chính trị và được đảm bảo có 5 ghế ở mỗi viện của Quốc hội.

Tuy nhiên, văn kiện lịch sử này đến nay vẫn còn gây tranh cãi, trong đó có nhiều điều khoản “phóng khoáng” khiến nhiều người dân Colombia bức xúc, chẳng hạn như cho phép các nhân vật cấp cao của FARC tham gia chính trị và không phải ngồi tù. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, tổng thống đắc cử của quốc gia Nam Mỹ khẳng định ông không muốn “xé vụn” thỏa thuận hòa bình, mà chỉ cam kết thực hiện những thay đổi để đòi lại công lý cho các nạn nhân của FARC. “Thỏa thuận hòa bình mà tất cả chúng ta mơ ước cần sửa đổi để các nạn nhân của FARC là trung tâm thực sự của tiến trình hòa bình và để có được công lý và bồi thường, chứ không phải tái diễn”- ông Duque nhấn mạnh trước hàng trăm người ủng hộ. Thậm chí, ông Duque còn muốn cấm cửa các cựu thành viên FARC vào Quốc hội khi bóng gió sẽ hủy bỏ điều khoản dành cho họ 10 ghế nghị sĩ.

  Duque dành phần lớn thời gian hoạt động của ông ở Mỹ, trong đó từng làm cố vấn cấp cao cho Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ. Năm 2014, ông trở về nước và được bầu vào Thượng viện Colombia nhờ sự ủng hộ của cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người phản đối kịch liệt thỏa thuận hòa bình với FARC.

Thông qua cải cách hiến pháp hoặc ban hành chỉ thị, ông Duque có thể tiến hành các đề xuất bao gồm cấm các cựu du kích FARC từng vi phạm nhân quyền tham gia chính trường cho đến khi họ nhận tội ác chiến tranh và bồi thường cho các nạn nhân. Dù vậy, ý định thay đổi thỏa thuận hòa bình nhằm “trừng phạt thích đáng” các cựu thủ lĩnh FARC phạm tội ác chiến tranh sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Quốc hội và  Tòa án Hiến pháp Colombia.

Trong phản ứng cùng ngày, các thành viên của FARC đã bày tỏ mong muốn gặp gỡ tổng thống đắc cử Duque để thảo luận về việc thực thi thỏa thuận hòa bình. Cựu thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono cho rằng người dân Colombia nên đoàn kết vì “con đường hy vọng đang được mở toang”. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Colombia hồi tháng 3 vừa qua, tổ chức chính trị của FARC chỉ giành được chưa tới 0,5% số phiếu ủng hộ.

Chương trình nghị sự của ông Duque không chỉ là thỏa thuận hòa bình mà còn là nạn buôn lậu ma túy. Tình hình sản xuất ma túy ở Colombia gia tăng và các nhóm vũ trang đang tranh giành quyền kiểm soát các tuyến đường vận chuyển ma túy mà FARC bỏ lại. Bên cạnh đó còn là việc kinh tế Colombia vẫn còn suy yếu trong khi phải “đón nhận” hơn 500.000 người nhập cư Venezuela tràn sang đây để tìm kiếm lương thực và việc làm.

 THANH BÌNH (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết