20/01/2018 - 10:41

Thổ Nhĩ Kỳ “cầu viện” Nga và Iran 

Tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp

Trong bối cảnh mối đe dọa từ những tay súng ly khai Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ngày càng gia tăng ở phía Tây Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-1 đã cử hai lãnh đạo an ninh hàng đầu nước này đến Nga nhằm xin phép Mát-xcơ-va sử dụng không phận Syria để triển khai chiến dịch không kích nhằm vào YPG.

Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển xe thiết giáp tới khu vực biên giới với Syria. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển xe thiết giáp tới khu vực biên giới với Syria. Ảnh: AFP

Theo đó, Tướng Hulusi Akar, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, và người đứng đầu cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hôm 18-1 đã đến Nga để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực cũng như tình hình tại Syria với Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara cũng đang đàm phán với Nga và Iran - hai nước có quân đội hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở nước này, về việc sử dụng không phận Syria để triển khai hoạt động không kích ở thành phố Afrin. “Chúng tôi mỗi ngày phải hứng chịu các cuộc tấn công từ Afrin. Chúng tôi phải phối hợp để can thiệp từ trên không để các quan sát viên quân sự của chúng tôi trong khu vực không bị tổn hại. Mỹ phải ngừng hợp tác với YPG” – Ngoại trưởng Cavusoglu nói với CNN sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson.

Theo CNN, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tối 18-1 đã nã pháo vào các vị trí đóng quân của YPG xung quanh Afrin, trong khi nhiều xe tăng, xe thiết giáp cũng như binh sĩ được triển khai tới khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Trong một tuyên bố trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia nước này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép thành lập một “đội quân khủng bố” gồm 30.000 tay súng ngay tại biên giới Syria và sẽ đưa ra mọi biện pháp để ngăn chặn.

Động thái quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành sau khi Ankara tỏ ra “hết kiên nhẫn” với Mỹ xung quanh việc Washington hậu thuẫn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), vốn là một bộ phận của liên minh do YPG đứng đầu, thành lập đội quân nói trên. Ziya Meral, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích lịch sử và nghiên cứu xung đột (Anh), nói rằng Mỹ đang trực tiếp cung cấp vũ khí cho một nhóm có tham vọng cuối cùng không phải là đánh bại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) mà là tạo ra một nhà nước người Kurd độc lập. Còn theo Fadi Hakura, chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn Chatham House, Washington đang cung cấp quân sự và hậu cần cho một nhóm chiến binh người Kurd có quan hệ chặt chẽ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem là mối đe dọa  an ninh quốc gia.

Trước tình hình trên, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã lên tiếng trấn an Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Tillerson nhấn mạnh, Washington không tạo ra một lực lượng an ninh biên giới, những gì mà Mỹ đang làm là cố gắng đảm bảo rằng các lực lượng địa phương đang giữ gìn an ninh cho các khu vực đã được giải phóng. Theo ông Tillerson, vấn đề tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đã “bị hiểu nhầm, bị mô tả sai”.

Trong diễn biến khác, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông qua việc gia hạn thêm 3 tháng tình trạng khẩn cấp, vốn được áp đặt ngay sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016. Đây là lần thứ 6 Ankara gia hạn tình trạng khẩn cấp.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ 1 giờ ngày 19-1.

Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên áp đặt tình trạng khẩn cấp trên cả nước vào ngày 20-7-2016, vài ngày sau vụ đảo chính bất thành khiến hơn 240 người thiệt mạng và khoảng 2.200 người bị thương. Ankara cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện đang lưu vong tại Mỹ đứng sau vụ đảo chính trên. Tính đến nay, nhà chức trách nước này đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan đến vụ đảo chính. Ngoài ra, khoảng 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo... Một số nước phương Tây chỉ trích hành động mạnh tay này của Thổ Nhĩ Kỳ, song Ankara cho rằng chỉ có như vậy mới dập tắt được mối đe dọa từ mạng lưới do giáo sĩ Gulen đứng đầu vốn đã thâm nhập vào những cơ quan như quân đội, tòa án và trường học. Giáo sĩ Gulen luôn bác bỏ cáo buộc của Ankara về việc ông đứng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết