08/07/2018 - 07:05

Thiếu nhi lại “khát” phim hè 

Đã qua nửa mùa hè 2018, nhưng truyền hình cả nước vẫn chưa có bộ phim nào đáng xem dành cho thiếu nhi. Có chăng, chỉ là những bộ phim cũ “đến hẹn lại lên”.

Đìu hiu phim truyền hình

Quanh đi quẩn lại, khán giả chỉ thấy những bộ phim kinh điển mỗi dịp hè như “Kính vạn hoa”, “Mùa hè sôi động”, “Biển xanh và ốc nhỏ”… được phủ sóng hầu hết các kênh truyền hình.

Hè về, lại xem “Kính vạn hoa”. Ảnh: TFS
Hè về, lại xem “Kính vạn hoa”. Ảnh: TFS

Theo các nhà làm phim, nguyên nhân chính là thiếu kịch bản hay. Phim cho thiếu nhi đang đỏ mắt tìm kịch bản đủ sức cuốn hút, phù hợp với lứa tuổi và cả người lớn. “Kính vạn hoa” là một hình mẫu. Chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim gây sốt biết bao mùa hè liền bởi chuyện phim hấp dẫn, cuốn hút và gần gũi trong từng chi tiết. Một đòi hỏi cho dòng kinh phim này là kịch bản phim phải mang nhiều ý nghĩa nhưng không giáo điều, khô cứng. Đó chính là bài toán khó cho các nhà biên kịch.

Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS), đơn vị nhiều năm qua rất gắn bó với dòng phim này năm nay cũng bỏ cuộc. Đại diện TFS cho hay, rất nhiều đạo diễn của hãng sẵn sàng làm phim “không công” cho thiếu nhi nhưng thiếu những kịch bản hay, hóm hỉnh, mang tính giáo dục, có chất lượng... khiến các đạo diễn đành “ngồi chơi xơi nước”.

Đành rằng, phim cho thiếu nhi không dễ làm. Ngoài kịch bản hay còn cần có một đội ngũ diễn viên nhí đủ sức thủ vai. Rồi chuyện quảng bá, tìm kiếm quảng cáo để phim lên sóng. Trong khi phim cho người lớn với những yếu tố câu khách còn khó, huống hồ phim cho thiếu nhi. Đó là “con đường chông gai” cho nhà làm phim lẫn các đài truyền hình.

Trong tình thế khó đó, nhiều nhà đài cũng có những cách “gỡ rối” đáng ghi nhận, trong đó có Truyền hình Vĩnh Long. Khoảng 1 năm trở lại đây, bên cạnh sản xuất các phim cổ tích phát sóng tối chủ nhật hằng tuần, kênh THVL1 còn có hẳn khung giờ cho thể loại “Chuyện xưa tích cũ” và được khán giả, kể cả thiếu nhi lẫn người lớn, rất quan tâm.

Ảm đạm màn ảnh rộng

Thực trạng phim truyền hình cho thiếu nhi đã vậy, song phim cho thiếu nhi trên màn ảnh rộng còn ảm đạm hơn, nếu không nói là con số 0. Hè này, màn ảnh rộng tràn ngập phim thiếu nhi nước ngoài mà không hề có phim thiếu nhi Việt ra rạp.

Theo các nhà làm phim, ngoài yếu tố kịch bản và diễn viên, một nguyên nhân khiến các nhà làm phim ít dám đầu tư cho dòng phim này là các chủ rạp còn “kỳ thị” so với các dòng phim khác, nhất là các thể loại “bom tấn”. Một vị đạo diễn từng có nhiều phim cho thiếu nhi phân tích, thời điểm thuận lợi nhất để cả nhà ra rạp xem phim là sau giờ làm việc của cha mẹ và những ngày cuối tuần nên những suất chiếu buổi tối từ 19 giờ trở đi hoặc các suất ngày thứ bảy, chủ nhật nên tăng suất dành cho phim thiếu nhi. Nhưng hiện nay, các khung giờ đẹp này lại thường dành chiếu phim “bom tấn” người lớn. “Kinh phí một phim coi được cũng tầm 7-8 tỉ đồng, ra rạp phải thu 18-19 tỉ đồng mới huề vốn. Nếu đụng phải phim lớn của nước ngoài, khả năng trụ rạp càng khó khăn”- vị đạo diễn này than thở.

Dĩ nhiên, trong kinh doanh, không thể trách ai vì lợi nhuận vẫn là trên hết. Thiệt thòi chính là khán giả nhí khi thiếu đi những phút thư giãn cho ngày hè. Những khó khăn như đã nói, làm nản lòng những người đam mê làm phim thiếu nhi và các khán giả nhỏ tuổi.

Tuy nhiên, “nói đi phải nói lại”, một thực trạng không nên né tránh là khả năng làm phim cho thiếu nhi của các nhà sản xuất, đạo diễn nước ta còn hạn chế. Đến giờ này, chúng ta vẫn hiếm hoi có những nhân vật hoạt hình hình mẫu mà “nhắc là nhớ” hoặc những bộ phim trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ, như “Kính vạn hoa” chẳng hạn.

Trong muôn vàn trăn trở cho điện ảnh Việt, thiếu nhi lại có một mùa hè “khát” phim.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết