03/10/2011 - 21:03

Doanh nghiệp chế biến thủy sản

Thiếu nguyên liệu: Mối lo thường trực !

Chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu ở Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu công nghiệp Trà Nóc 1). Ảnh: Đ.C.T

Chế biến thủy sản xuất khẩu là một thế mạnh của TP Cần Thơ và chiếm trên 35% giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, đây cũng là ngành phải đối mặt với tình trạng biến động nguyên liệu thường xuyên. Vì vậy, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và ổn định, đảm bảo quản lý tốt chất lượng, giảm chi phí đầu vào là hướng đi bền vững mà các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản đang nỗ lực đầu tư.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2011, xuất khẩu thủy sản ước đạt 96.900 tấn, tương đương 59,8% kế hoạch năm, giảm 15,1% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt trên 305,1 triệu USD, tương đương 61% kế hoạch năm và tăng 9,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Từ đầu năm đến nay, các DN chế biến thủy sản luôn đối mặt với tình trạng sản xuất cầm chừng, do thiếu nguyên liệu chế biến (tôm sú và cá tra) trầm trọng. Các DN xuất khẩu cá tra đã chủ động 40-60% nguyên liệu chế biến cho nhà máy, còn DN xuất khẩu tôm chưa xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nên tình trạng tôm chết hàng loạt những tháng đầu năm 2011 làm không ít DN gặp khó.

Thêm vào đó, những rào cản thương mại, kỹ thuật ở các nước nhập khẩu (tiêu biểu là kiện chống bán phá giá) cũng là trở ngại lớn mà DN phải đối mặt. Còn nhớ giữa tháng 5-2011, giá cá tra nguyên liệu tăng cao và dao động từ 28.300-28.500 đồng/kg. Đến tháng 6, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm do vào vụ thu hoạch rộ, người nuôi một phen điêu đứng vì DN chậm bắt cá. Và hiện giá cá tra nguyên liệu loại I đang dao động ở mức 26.000- 27.000 đồng/kg, DN chế biến chưa mạnh dạn mua vào vì đã lỡ chào bán với giá thấp. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu vẫn đứng ở mức cao, do khan hiếm nguồn và nhiều DN nước ngoài đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu tại ĐBSCL, kể cả tôm chất lượng thấp đã gây không ít khó khăn cho DN nội địa.

Ông Phạm Ngọc Truyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP Cần Thơ), cho biết: “Hiện nay, nguồn nguyên liệu tôm để đáp ứng yêu cầu chế biến của công ty vẫn còn gặp khó, giá tôm nguyên liệu tăng từ 20- 30% so với trước. Tôm sú đang khan hiếm và tôm thẻ chân trắng tuy giá rẻ hơn tôm sú 30-40% nhưng tìm được chỗ mua cũng không dễ. DN không chỉ lo về giá tôm nguyên liệu tăng cao mà còn tập trung quản lý chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu của đơn vị mình”. Theo ông Truyền, từ nay đến cuối năm, không chỉ riêng Nam Hải mà các DN sản xuất, chế biến thủy sản ở Cần Thơ đều phải nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu cho mình. Đối với Nam Hải, tuy thiếu nguồn tôm sú để chế biến nhưng bù lại vẫn có tôm thẻ chân trắng thay thế, chất lượng vẫn đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của khách hàng. Nguồn nguyên liệu chính được thu mua chủ yếu ở các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu với khoảng 40% tôm sú, số còn lại là tôm thẻ chân trắng.

Còn đối với DN chế biến cá tra xuất khẩu, từ năm 2008 đến nay, giá cá tra biến động liên tục, người nuôi thua lỗ và không đủ khả năng đầu tư. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện diện tích nuôi nhỏ lẻ không còn nhiều, lãi suất ngân hàng cao, chi phí thức ăn tăng cao làm người nuôi phải cân nhắc. Do nuôi cá tra đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi sản xuất gặp rất nhiều rủi ro vì phụ thuộc phần lớn vào thị trường xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, do nguồn cung nguyên liệu thường xuyên biến động, trong khi lương công nhân cùng các chi phí đầu vào khác đồng loạt tăng, DN gánh thêm chi phí rất lớn, trong khi thị trường ở các nước nhập khẩu cá tra chưa lạc quan vì lạm phát, nợ công, giá bán không tăng. Theo lãnh đạo một công ty xuất khẩu thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, Cần Thơ, hiện công ty có 2 xưởng sản xuất cá tra phi lê, công suất thiết kế 80 tấn sản phẩm/ngày, nhưng chỉ vận hành 50% công suất. Mặc dù đơn vị đã tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu (40ha) tại Cần Thơ và Hậu Giang phục vụ nhà máy chế biến, nhằm quản lý tốt đầu vào- đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, một DN muốn đứng vững trên thị trường xuất khẩu không chỉ có vùng nguyên liệu là đủ mà còn thực hiện rất nhiều việc khác.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, DN xuất khẩu muốn phát triển vững vàng và chủ động trong đàm phán giá cả với đối tác cần có vùng nguyên liệu ổn định để quản lý chất lượng đầu vào- đầu ra. Đồng thời, năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng bên cạnh những thị trường chủ lực chính của đơn vị. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường chưa mấy sáng sủa thì không phải DN nào cũng làm được điều mình muốn. Nhưng trải qua nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản vẫn tăng trưởng đều, chứng tỏ DN chế biến thủy sản rất năng động.

CHÍ THIỆN- MINH HUYỀN

Chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu ở Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu công nghiệp Trà Nóc 1). &

Chia sẻ bài viết