08/10/2012 - 21:07

Thiếu giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học

Giờ học Anh văn của cô trò Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Huệ, khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn.

Việc tổ chức dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh và làm nền tảng để học sinh học tiếng Anh tốt hơn ở các bậc học tiếp theo. Sau gần 3 năm TP Cần Thơ triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học, tuy đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng các nhà quản lý giáo dục vẫn canh cánh nỗi lo chuyện thiếu giáo viên giảng dạy.

* Tạo hứng thú cho học sinh

Giờ học Anh văn của học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Huệ, khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, do cô Nguyễn Thị Ngọc Nở, giáo viên Anh văn của trường phụ trách khá sinh động. Hầu hết các em đều thích thú với những hình ảnh minh họa cho bài học. Nhiều em tỏ ra khá mạnh dạn và tự tin khi đứng trước lớp phát âm rõ ràng... khiến không khí lớp học nhộn nhịp hẳn lên. Em Nguyễn Lê Chí Hiếu, học sinh lớp 4A, Trường TH Nguyễn Huệ, cho biết: "Em rất thích giờ học Anh văn. Mỗi đầu giờ học, cô cho các bạn đàm thoại hoặc cả lớp hát những bài hát bằng tiếng Anh để ôn lại kiến thức đã học. Không chỉ vậy, khi đi chơi, gặp khách nước ngoài, em có thể chào hỏi, làm quen". Không riêng gì Chí Hiếu mà hầu như các bạn khác ở lớp, ở trường đều có chung niềm vui này. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Nở, việc dạy thí điểm chương trình tiếng Anh ở bậc TH khiến học sinh thích thú hơn, bởi mỗi phần học có 1 bài hát, nội dung tranh, ảnh phong phú.

Từ năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT quận Cái Răng đẩy mạnh triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh bậc TH ở một số trường có điều kiện, trong đó có Trường TH Trần Hoàng Na, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. Hiện nay, Trường TH Trần Hoàng Na có 380 học sinh học chương trình tiếng Anh. Trong đó có thể chọn học theo chương trình tiếng Anh tự chọn (2 tiết/ tuần) hoặc tiếng Anh tăng cường (4-6 tiết/tuần). Riêng chương trình tiếng Anh thí điểm, trường chỉ tổ chức dạy khối lớp 3, với 27 học sinh. Cô Đỗ Nguyễn Lâm Điền, giáo viên dạy Anh văn của trường, nói: "Với chương trình tiếng Anh thí điểm, thời lượng học nhiều hơn (4 tiết/ tuần), song nội dung chương trình nhẹ nhàng và hoạt động nói- nghe nhiều hơn nên các em rất hứng thú học. Trường trang bị đầy đủ giáo cụ (như tranh, đĩa...), thiết bị hỗ trợ giảng dạy giáo án điện tử nên giáo viên rất thuận lợi trong giảng dạy".

Có thể nói, việc tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh TH không chỉ đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh mà còn là nền tảng để các em học tiếng Anh tốt hơn ở các bậc học tiếp theo. Chính vì vậy, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt... đã nỗ lực đưa ngoại ngữ đến học sinh. Trong đó vào năm học 2010-2011, ngay khi Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm chương trình dạy tiếng Anh tiểu học từ lớp 3, ngành giáo dục huyện Phong Điền đã chủ động đề xuất với Sở GD&ĐT thành phố tham gia thí điểm chương trình này. Hiện nay, tất cả các trường TH trên địa bàn huyện Phong Điền đều có giảng dạy Anh văn.

* Nỗi lo thiếu giáo viên...

Việc triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh bậc TH được thực hiện cách đây khoảng 3 năm. Cả nước có 18 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm chương trình này, trong đó có TP Cần Thơ. Năm học 2010-2011, TP Cần Thơ chọn 2 trường của quận Ninh Kiều và 1 trường của huyện Cờ Đỏ để thực hiện. Trong những năm đầu triển khai, các trường đều gặp khó vì thiếu giáo viên, thiếu phòng ốc, trang thiết bị giảng dạy. Đến thời điểm này, mặc dù ngành giáo dục thành phố đã triển khai chương trình thí điểm Anh văn thêm ở các trường TH của quận Bình Thủy, Cái Răng... nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn lực, phương tiện, nhất là giáo viên, khiến không ít nhà quản lý giáo dục ở các trường "đau đầu". Theo cô Lê Thị Thúy Phượng, Hiệu trưởng Trường TH Trần Hoàng Na, trước đây, trường đã triển khai chương trình thí điểm Anh văn cho khối lớp 3. Sau đó, Bộ GD&ĐT quy định giáo viên đứng lớp phải đạt trình độ ngoại ngữ chuẩn B2 châu Âu nên trường ngưng mở lớp. Đến năm học này, trường có giáo viên đủ điều kiện nên tiếp tục mở lớp. Tuy vậy, cô Phượng vẫn băn khoăn: "Trường chưa trang bị phòng lab đúng quy chuẩn để giảng dạy Anh văn nên ít nhiều gặp khó khăn khi giảng dạy cho khối lớp 3. Hoàn cảnh gia đình của nhiều học sinh khó khăn nên việc trang bị sách vở, phương tiện để các em học tập không dễ dàng".

Dù có nhiều nỗ lực đưa chương trình tiếng Anh nói chung, chương trình thí điểm tiếng Anh nói riêng vào các trường TH, nhưng ngành giáo dục quận Ô Môn cũng gặp khó cơ sở vật chất, lại thiếu giáo viên nên việc triển khai chưa được mở rộng. Qua thống kê của ngành giáo dục quận Ô Môn, hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường TH đủ khả năng đứng lớp, nhưng toàn quận chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh đạt trình độ B1.

Theo thống kê của ngành giáo dục, toàn thành phố có 214 giáo viên tiếng Anh tiểu học, chưa thể đáp ứng yêu cầu về số lượng; còn về chất lượng, theo quy định chung giáo viên phải có trình độ B2. Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường phải đảm bảo yêu cầu, nhất là phục vụ học sinh học 2 buổi/ngày. Hai yếu tố này, thành phố đều gặp khó nên từ năm 2008 đến nay, một số trường triển khai ì ạch. Theo ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Anh văn, những năm gần đây, ngành giáo dục thành phố đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng 90 giáo viên. Dự kiến đầu năm 2013, ngành sẽ đưa 60 giáo viên có trình độ B1 học lên B2. Ông Tài nhấn mạnh: Thành phố đang cần 200 giáo viên dạy Anh văn TH để đảm bảo điều kiện giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành phấn đấu đến đầu năm 2014 chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, từng bước đưa tiếng Anh phủ khắp các trường TH, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện nói chung và nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh phổ thông nói riêng.

Hoàng-Ngọc

Chia sẻ bài viết