12/04/2011 - 08:15

Thiếu giáo viên - các trường ở ngoại thành gặp khó

Không chỉ thiếu giáo viên bộ môn, giáo viên mầm non mà cả giáo viên tiểu học dạy phổ thông ở một số trường thuộc các huyện ngoại thành TP Cần Thơ cũng đang thiếu hụt. Thực trạng này đã gây ra không ít khó khăn trong cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn cũng như việc đảm bảo chất lượng dạy học của nhà trường.

* Đỏ mắt tìm thầy

Giáo viên Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh phải làm việc trong căn phòng chật chội mượn của Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3. 

Đầu năm học 2010-2011, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Thạnh Lộc 2, huyện Vĩnh Thạnh “rối như tơ vò” vì trường thiếu đến 7 giáo viên dạy phổ thông (giáo viên tiểu học dạy các môn văn hóa). Theo quy định, mỗi giáo viên tiểu học sẽ phụ trách một lớp, thế nhưng trường có đến 20 lớp mà chỉ có 13 giáo viên phổ thông. Thầy Nguyễn Văn Chở, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Lộc 2, cho biết nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt trầm trọng này là do hè năm học 2009-2010, một số giáo viên đang dạy tại trường xin chuyển đi nơi khác, một số giáo viên đến tuổi hưu và trường nhận thêm 1 điểm trường của huyện Cờ Đỏ. Mặc dù Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Thạnh đã luân chuyển và bổ sung về trường một số giáo viên mới tuyển, nhưng hiện tại, Trường Tiểu học Thạnh Lộc 2 vẫn thiếu đến 3 giáo viên phổ thông. Tương tự, thầy Lê Văn Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Liên tục nhiều năm, trường thiếu giáo viên phổ thông, có năm thiếu đến 5 giáo viên. Riêng năm học này, trường thiếu 3 giáo viên dạy các môn văn hóa”.

Tình trạng thiếu giáo viên làm cho các trường rất khó khăn trong hoạt động chuyên môn. Thầy Nguyễn Văn Chở cho biết: “Để đảm bảo việc giảng dạy, trường phải phân công giáo viên dạy quy mô (tăng hơn số tiết dạy theo quy định). Tuy nhiên, theo Nghị định 50 của Chính phủ, giáo viên không được dạy dư quá 200 tiết/năm học. Vì vậy, trường phải phân công nhiều giáo viên cùng dạy 1 lớp”. Tuy nhiên, thầy Chở thừa nhận, giải pháp này chỉ là “chữa cháy”, bởi việc thay đổi giáo viên liên tục khiến các thầy cô không thể theo sát các em học sinh yếu, học sinh cá biệt. Không chỉ thiếu giáo viên phổ thông, cả hai trường trên đều thiếu giáo viên dạy Anh văn nên phải hợp đồng giáo viên đang dạy ở các trường THCS về giảng dạy.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện hiện thiếu 30 giáo viên phổ thông ở bậc tiểu học, hơn 10 giáo viên dạy Anh văn tiểu học, 31 giáo viên mầm non. Nếu thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, các trường trên địa bàn huyện sẽ thiếu thêm khoảng 30 giáo viên mầm non dạy mẫu giáo 5 tuổi. Còn tại huyện Phong Điền, theo dự báo của ngành, năm học 2011-2012, toàn huyện sẽ thiếu khoảng 10 giáo viên phổ thông bậc tiểu học do các giáo viên về hưu. Ở huyện Thới Lai cũng thiếu giáo viên thể dục, âm nhạc và Anh văn... Đặc biệt, đối với bậc học mầm non, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các quận, huyện.


* Nguyên nhân do đâu?

Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học vùng ven, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những lý do như: đa số các trường học này ở vị trí xa trung tâm các huyện, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nên khó thu hút sinh viên sư phạm và “giữ chân” các thầy, cô giáo trẻ; thì những điều chưa hợp lý về chế độ đãi ngộ và cả việc thiếu định hướng đào tạo cũng là nguyên nhân khiến số lượng giáo viên ngày càng giảm.

Cụ thể, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã được dự báo từ nhiều năm qua, nhất là khi triển khai các chương trình giáo dục mầm non mới, nhưng mức lương theo quy định hiện tại và chính sách đãi ngộ chưa hợp lý đối với giáo viên của bậc học này đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên từ năm này đến năm khác. Một giáo viên mầm non đang dạy ở huyện Cờ Đỏ thẳng thắn phân tích: “Không thể so sánh công việc của các bậc học khác nhau, tuy nhiên có thể thấy công sức lao động mà giáo viên bậc mầm non đầu tư cho học sinh là rất lớn. Hầu như tất cả giáo viên mầm non dạy bán trú đều phải có mặt ở trường từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều, nhưng không có một khoản phụ cấp nào chính thức của ngành. Giáo viên dạy lớp 1 buổi, buổi còn lại cũng phải vào trường, vừa là tuân thủ quy định, vừa để làm các dụng cụ học tập và nhiều công việc chuyên môn khác... Trong khi đó, theo quy định, giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần; giáo viên THCS dạy 19 tiết/tuần; giáo viên THPT dạy 17 tiết/tuần, nếu dạy hơn sẽ được hưởng thêm tiền quy mô...

Có lẽ, chính vì sự bất cập này mà nhiều năm liên tục, các trường sư phạm khó tuyển giáo viên mầm non. Vừa qua, tại huyện Cờ Đỏ, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Cần Thơ mở lớp Trung cấp Sư phạm Mầm non. Theo kế hoạch, sẽ mở 2 lớp, dự kiến học viên từ 80-100 người, học tại địa phương, không tốn học phí, ra trường có việc làm ngay nhưng số lượng thí sinh đăng ký chỉ có 50 người và được tuyển hết bởi hiện tại ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ còn thiếu đến 60 giáo viên mầm non. Giáo viên và cán bộ Phòng GD & ĐT ở một số địa phương lo ngại, nếu không sớm thay đổi, tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Việc thiếu giáo viên còn do “khan hiếm” đầu vào. Ông Lê Văn Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3, cho biết: “Nhiều năm qua, trường đều xin được tăng cường giáo viên, nhưng do toàn huyện đều thiếu nên không thể điều chuyển, còn nguồn để tuyển thì hầu như không có nên đành chịu”. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi gần đây, việc tuyển thí sinh đầu vào của trường cao đẳng sư phạm gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, năm 2010, Trường Cao đẳng Cần Thơ được Bộ GD&ĐT chấp thuận cho xét tuyển 400 sinh viên sư phạm bậc mầm non, tiểu học và THCS, thế nhưng trường chỉ nhận được 300 hồ sơ dự tuyển. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng thực tế không thể phủ nhận tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học từ THCS trở xuống còn do công tác dự báo của ngành chưa thật sự tốt. Khi thiếu giáo viên thì đào tạo ồ ạt nên thừa giáo viên. Khi thừa, lại thiếu sự quan tâm dự báo để đào tạo bổ sung... mà đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là những học sinh ở các trường vùng ven, xa trung tâm thành phố!

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết