12/06/2018 - 14:27

Thiếu dinh dưỡng, hậu quả nặng nề cho mẹ và con 

Rối loạn dinh dưỡng có thể gây nhiều hậu quả nặng nề như suy dinh dưỡng bào thai, dị tật bẩm sinh, tử vong, mắc các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ giúp thai nhi phát triển tối ưu, bà mẹ giảm nguy cơ tai biến sản khoa; đủ sức khỏe để sinh con, nuôi dưỡng và chăm sóc con. 

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp báo cáo tại Hội nghị Sản phụ khoa Cần Thơ lần III hồi trung tuần tháng 4 vừa qua. Ảnh do Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cung cấp. 

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh cho biết, theo điều tra dịch tễ về tình trạng dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai (PNMT) tại TP Hồ Chí Minh do Trung tâm Dinh dưỡng tiến hành, tỷ lệ thiếu iod ở PNMT là 72, 8%,  34,6% thiếu kẽm, thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 60% các trường hợp thiếu máu… Tình trạng thiếu dinh dưỡng ở PNMT có thể gây hậu quả nặng nề cho mẹ và con. Vì thế, việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của PNMT sẽ giúp nhân viên y tế kịp thời hướng dẫn, can thiệp điều trị nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của bà mẹ để thai nhi tăng trưởng tốt, mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường thai kỳ, tai biến sản khoa. Các chỉ số đánh giá tình trạng dinh dưỡng PNMT gồm:

- Tiền sử y khoa và sản khoa: tập trung tìm hiểu tiền sử mắc các bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn dung nạp đường, rối loạn lipid máu, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, không dung nạp lactose, dị ứng thực phẩm… Các thông tin: dị tật thai nhi, cân nặng lúc sinh con, các tai biến liên quan, việc dùng viêm bổ sung sắt, acid folic trong các thai kỳ trước… sẽ được lưu ý.

- Chỉ số khối cơ thể (BMI): đây là chỉ số quan trọng đánh giá tình trạng dinh dưỡng của PNMT. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy BMI <20,5 và đặc biệt <18,5 có liên quan tới cân nặng sơ sinh thấp, BMI >27,5 tăng nguy cơ thai to. Nhân viên y tế hỏi cân nặng trước khi phụ nữ mang thai và đo chiều cao để xác định chỉ số khối cơ thể. BMI thay đổi trong thời gian mang thai và do tác động tăng dịch nội bào, trọng lượng tử cung, thai, nhau thai, nước ối… nên BMI chỉ được tính toán dựa trên cân nặng trước khi mang thai. Trong trường hợp không nhớ cân nặng trước khi mang thai, có thể dùng cân nặng ở lần khám thai đầu tiên nếu thai dưới 8 tuần tuổi và bà mẹ xác định không tăng cân đáng kể.

Công thức tính chỉ số BMI = cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m2). Theo đó, BMI <18,5 là suy dinh dưỡng, ≥25 là thừa cân, ≥30 là béo phì. Mức độ tăng cân trong cả thai kỳ, theo khuyến nghị:

+ Nếu BMI <18,5, số cân nặng cần tăng từ 12,5- 18kg;

+ Nếu BMI từ 18,5- 24,9, cân nặng cần tăng 11,6- 16kg

+ Nếu BMI từ 25- 29,9, cân nặng tăng lên từ 7- 11,5kg

+ Nếu BMI >30, cân nặng cần tăng 7kg.

+ Thai song sinh cần tăng cân từ 16- 20kg trong cả thai kỳ.

+ Tốc độ tăng cân, từ 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ nên duy trì 0,4kg/tuần đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai; 0,5kg/tuần đối với phụ nữ có cân nặng thấp và 0,3kg/tuần đối với phụ nữ thừa cân.

- Nếu xét nghiệm, Hemoglobin 11g/dl được xem như có tình trạng thiếu máu. Cần tìm hiểu nguyên nhân PNMT có bệnh lý huyết học hoặc do thiếu sắt, acid folic hoặc vitamin B12…

- Đường máu và lipit: đây là những chỉ số giúp đánh giá, theo dõi nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật. Nên xét nghiệm đường huyết từ lần mang thai đầu tiên. Đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện vào tuần 24-48 nên tất cả PNMT cần xét nghiệm đường máu trong khoảng thời gian này. Những PNMT có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ như thừa cân, béo phì trước khi mang thai, tăng cân quá mức, từng sinh con to, gia đình có người bị đái tháo đường, đã từng bị đái tháo đường thai kỳ, khuyến nghị cần thử đường huyết sớm hơn và theo dõi hằng tháng trong suốt thai kỳ. l

Phụ nữ mang thai cần ăn thực phẩm đa dạng. Hằng ngày nên dùng 15-20 loại thực phẩm khác nhau để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau quả vì ngoài vitamin và khoáng chất còn cung cấp chất xơ phòng, chống táo bón, hỗ trợ chuyển hóa, hấp thu chất béo. Chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá; hạn chế gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, giấm.

H.HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết