10/08/2018 - 09:01

Thiếu bác sĩ, Nhật Bản mở 10 “bệnh viện AI” 

Chính phủ Nhật Bản đang bắt tay với các doanh nghiệp và học viện để xây dựng các bệnh viện được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép bác sĩ dành nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn trong khi tiết kiệm chi phí.

Bác sĩ Nhật Bản thực hành phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của AI. Ảnh: Asian Nikkei Review

Theo tờ Asian Nikkei Review, Chính phủ xứ hoa anh đào trong vòng 5 năm tới sẽ đầu tư trên 100 triệu USD với mục tiêu hoàn tất việc xây dựng 10 bệnh viện mẫu  mà theo đó các thiết bị được trang bị AI tại bệnh viện sẽ có nhiệm vụ cập nhật bệnh án, phân tích kết quả xét nghiệm cũng như hình ảnh của bệnh nhân nhằm hỗ trợ cho công tác chẩn đoán bệnh.

Bộ Giáo dục, Bộ Công nghiệp và Bộ Y tế Nhật Bản trong tháng này sẽ tìm kiếm các công ty cũng như bệnh viện, mời các chuyên gia AI và các nhà sản xuất thiết bị y tế tham gia dự án. Được biết, công nghệ AI trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào hỗ trợ điều trị các bệnh nhân ung thư.

Theo kế hoạch, nhiều chương trình với sự hỗ trợ của AI sẽ được tạo ra, đảm trách việc tự động nhập thông tin bệnh nhân vào hồ sơ y tế của bệnh nhân dựa trên đối thoại giữa bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình khám bệnh. Điều này giúp bác sĩ tập trung hơn vào việc trao đổi với bệnh nhân về bệnh tình của họ. Ngoài ra, AI cũng sẽ được dùng để phân tích hình ảnh cộng hưởng từ và hình ảnh nội soi, cũng như phân tích các xét nghiệm máu và các thông tin khác, thậm chí phân tích ADN của bệnh nhân để giúp bác sĩ chọn ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Để cải thiện độ chính xác của AI, các chuyên gia sẽ phát triển các thiết bị thu thập dữ liệu từ đồng hồ đo huyết áp, điện tâm đồ và các thiết bị y tế khác.

Nỗ lực trên nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt bác sĩ và y tá ở một số khu vực trong bối cảnh chi phí y tế không ngừng gia tăng. Sáng kiến này cũng sẽ giúp Nhật Bản cạnh tranh hơn trong lĩnh vực công nghệ AI, đồng thời giúp đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị y tế. Các chuyên gia cho rằng, với sự hỗ trợ của AI, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện sẽ giảm tải được áp lực công việc, từ đó giúp họ tránh tình trạng chẩn đoán sai. Và với sự hỗ trợ của AI, nhiều khâu điều trị không cần thiết sẽ được cắt giảm, từ đó giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ yen mỗi năm. 

Tính đến cuối năm 2016, Nhật Bản có 319.000 bác sĩ nhưng đa số chỉ tập trung vào một số chuyên khoa chính, những khoa khác thiếu hụt bác sĩ một cách trầm trọng.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết