11/12/2008 - 20:43

Mô hình “giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong kết hôn với người nước ngoài” ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ

Thiết thực, giúp người dân nâng cao nhận thức

Trước đây, huyện Thốt Nốt là địa phương chiếm số đông về các trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc... Trước thực trạng trên, năm 2005, TP Cần Thơ chọn xã Thới Thuận (huyện Thốt Nốt) xây dựng thí điểm mô hình “Giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong kết hôn với người nước ngoài”. Sau thời gian đi vào hoạt động, mô hình này đã mang lại những tín hiệu khả quan...

Theo thống kê của các ngành chức năng, ở TP Cần Thơ, tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài ngày một gia tăng. Nếu năm 1995 có khoảng 200 trường hợp thì đến năm 1996, con số này lên đến 1.000 trường hợp. Và, từ năm 2004 trở đi, mỗi năm có khoảng 2.000 đến 3.000 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc... So với các địa phương khác, thì huyện Thốt Nốt là một trong những địa phương có số trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài chiếm số đông. Trước thực trạng này, năm 2005, TP Cần Thơ chọn xã Thới Thuận (huyện Thốt Nốt) xây dựng thí điểm mô hình “Giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong kết hôn với người nước ngoài”, thành lập 5 Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững, giảm tiêu cực lấy chồng nước ngoài” và thành lập 5 tổ tư vấn, tuyên truyền các kiến thức liên quan đến luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hôn nhân gia đình và phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Ông Cao Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo mô hình này, cho biết: Mô hình có hai nhóm đối tượng, gồm: Nhóm đối tượng trực tiếp là nữ thanh niên chưa lập gia đình, phụ nữ đã ly hôn, ly thân; đặc biệt quan tâm đến những đối tượng có trình độ học vấn thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đối tượng thu nhập không ổn định, gia đình có nhiều chị em gái. Phụ nữ thất bại trong hôn nhân với người nước ngoài và có đưa con về Việt Nam định cư. Nhóm đối tượng tác động gián tiếp là cha mẹ, gia đình có con thuộc những trường hợp của đối tượng trực tiếp cùng chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

 Một buổi họp của Ban chỉ đạo mô hình “Giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong kết hôn với người nước ngoài”
ở xã Thới Thuận, Thốt Nốt.

Phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, đa phần là người dân cư trú ở vùng nông thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, chưa có nghề nghiệp ổn định, trình độ văn hóa thấp... nên rất cần được tư vấn, giúp đỡ về mặt kiến thức và thủ tục khi kết hôn. Trong quá trình tư vấn, một số trường hợp có cả người thân của đối tượng được tư vấn (như cha, mẹ, anh, chị em ruột) cùng tham gia, nên kết quả tư vấn đã góp phần nâng cao về nhận thức, tạo được sự đồng tình ủng hộ hoặc khuyên can của người thân, trước khi quyết định kết hôn, nếu như cuộc hôn nhân đó không phù hợp.

Các nhóm đối tượng được tổ chức sinh hoạt các thông tin có liên quan đến việc kết hôn với người nước ngoài, được nghe phản ánh của các thành viên trong CLB và gia đình có con em gả chồng nước ngoài. 5 CLB có trang bị tủ sách và sách báo, tài liệu tuyên truyền được đặt tại Văn phòng Ban nhân dân ấp để tiện cho người dân đến xem và đọc mỗi tuần. Ông Lê Viết Thanh, Chủ nhiệm CLB “Gia đình phát triển bền vững, giảm tiêu cực lấy chồng nước ngoài” ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thuận, cho biết: “Mỗi tháng, CLB sinh hoạt một lần. Nội dung, hình thức sinh hoạt rất phong phú, sát hợp với đời sống thực tế người dân. Đặc biệt, tư vấn cho những gia đình có ý định gả con cho người nước ngoài. Không dừng lại đó, chúng tôi còn giới thiệu việc làm tại địa phương, có thu nhập ổn định hoặc giới thiệu đi xuất khẩu lao động cho gia đình và bản thân các em gái. Khi khó khăn về công ăn việc làm, thu nhập được quan tâm, giải quyết, thì họ sẽ cân nhắc, xem xét trước quyết định kết hôn với người nước ngoài”.

Trường hợp bà T. ở ấp Thới Bình B là một điển hình. Bà T. cho biết: “Trước đây, gia đình rất khó khăn, nên có ý định gả con gái cho người Đài Loan, để giúp gia đình trang trải nợ nần, vượt qua lúc túng quẩn. Qua sinh hoạt CLB, tôi thấy việc gả con cho người nước ngoài quá mạo hiểm, với không ít khó khăn trong cuộc sống như sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, ăn uống... Thời gian qua, các ban ngành đoàn thể ở địa phương đến vận động, cho vay vốn để làm kinh tế gia đình và còn giới thiệu con gái tôi vào làm công nhân cho một công ty thủy sản, thu nhập một tháng hơn hai triệu đồng. Có việc làm, thu nhập tương đối, nay gia đình tôi không còn ý định gả con cho người nước ngoài nữa”.

Bà Trương Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Thuận, cho biết: Khi có phụ nữ kết hôn với người nước ngoài gặp bất hạnh trở về quê hương, Hội đã cử cán bộ đến gia đình thăm hỏi và tư vấn, giúp đỡ, đưa họ vào Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Hội LHPN TP Cần Thơ để giúp họ ổn định tâm lý, được chăm sóc sức khỏe, học nghề theo nguyện vọng và tiếp tục hỗ trợ họ bộ dụng cụ học nghề hoặc vốn khi trở về địa phương sinh sống bằng nghề đã học. Sau đó, mời họ tham gia sinh hoạt tại các CLB, bởi đây là những minh chứng, tuyên truyền viên rất có hiệu quả. Tại xã Thới Thuận, có 66 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó có 2 chị trở về mang theo 3 đứa con lai, đều được Hội phụ nữ và chính quyền quan tâm, giúp đỡ để các cháu được khám, chữa bệnh miễn phí.

Chị H. là một thành viên tham gia rất tích cực trong việc sinh hoạt CLB, cho biết: “Trước đây, thấy chị em trong xóm đi lấy chồng Đài Loan gởi tiền về lo cho gia đình, nên tôi cũng bắt chước theo. Nào ngờ sau ngày cưới, người chồng Đài Loan của tôi biến mất dạng, không một lần liên lạc. Sau đó, tôi về địa phương đi làm thuê, làm mướn để sinh sống. Khi mới thành lập CLB, tôi mạnh dạn tham gia sinh hoạt, để tuyên truyền cho chị em phụ nữ biết, lường trước những tiêu cực tiềm ẩn trong việc kết hôn với người nước ngoài...”.

Nhận xét về hiệu quả của mô hình, ông Cao Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, cho biết: “So với trước đây, số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đã giảm. Trình độ nhận thức của các thành viên trong CLB không ngừng được nâng lên, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền đến quần chúng chưa thực sự thuyết phục; kỹ năng, kiến thức của cán bộ tư vấn trong tuyên truyền và sinh hoạt các CLB còn hạn chế...”.

Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, chính quyền địa phương tin rằng trong thời gian tới, mô hình “Giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong kết hôn với người nước ngoài” ở xã Thới Thuận sẽ gặt hái được nhiều kết quả hơn nữa, nhằm làm giảm thiểu các tiêu cực phát sinh trong kết hôn với người nước ngoài và qua đó thực hiện quyền bình đẳng và hạnh phúc chính đáng của phụ nữ trong tình yêu và hôn nhân.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết