25/01/2018 - 21:50

Thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí của bộ tứ sinh viên 

Vượt qua các đội thi, Dự án “Nghiên cứu và thiết kế thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí” do nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ đoạt giải Nhất vòng chung kết Cuộc thi “Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” năm 2017 (Cuộc thi) khu vực ĐBSCL, giành quyền tham gia chung kết toàn quốc cùng với 3 đại diện của khu vực miền Bắc, miền Trung và TP Hồ Chí Minh vào tháng 3-2018.

Hiện thực hóa ý tưởng

Cuộc thi đã kết thúc cách nay vài ngày, nhưng dư âm vẫn còn với nhóm 4 sinh viên thực hiện Dự án “Nghiên cứu và thiết kế thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí” (dự án): Phạm Thị Thùy Linh, sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường K41; Lê Phương Hướng, sinh viên ngành Tài chính ngân hàng K40; Cao Thanh Hùng và Đặng Quang Minh (đều là sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa K40).

Bạn Phạm Thị Thùy Linh (bìa trái) cùng các thành viên trong nhóm đang tìm tài liệu tại Trung tâm học liệu- ĐHCT. Ảnh: B.KIÊN 

Phạm Thị Thùy Linh, Chủ nhiệm Dự án, bộc bạch: “Cuộc thi năm nay không chỉ dừng lại ý tưởng khởi nghiệp mà đòi hỏi sinh viên phải trở thành một nhà doanh nghiệp. Sinh viên phải hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích sản phẩm đưa ra thị trường, giá cả và thuyết phục người tiêu dùng đạt hiệu quả cao nhất”. Theo bạn Lê Phương Hướng, sau 10 phút báo cáo dự án, cả nhóm đã lên kế hoạch phối hợp trả lời thật tốt câu hỏi chất vấn của Hội đồng giám khảo. Thế nên nhóm trả lời được các vấn đề Hội đồng giám khảo đặt ra, như về giá cả (tùy đối tượng sử dụng, giá dao động từ 950.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/ thiết bị), phương án thuyết phục hộ gia đình và thị trường về ích lợi để từ đó chịu mua thiết bị; cách xử lý khi thiết bị cảnh báo về chất lượng không khí... 

Nét mới của cuộc thi năm nay là Ban tổ chức tập trung định hướng sinh viên rèn luyện kỹ năng xây dựng và triển khai dự án khởi nghiệp qua mô hình Câu lạc bộ Dynamic tại các trường. Đây là nơi sinh viên có thể thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp, là cầu nối chặt chẽ giữa sinh viên- nhà trường- doanh nghiệp- cộng đồng. Các câu lạc bộ Dynamic được tổ chức như doanh nghiệp, được hướng dẫn, giám sát từ hội đồng giảng viên và được cố vấn, tài trợ bởi hội đồng cố vấn doanh nghiệp. Tại ĐBSCL, 3 dự án của các sinh viên 2 trường ĐH (Cần Thơ và Tây Đô) đã hội tụ đủ tiêu chí lọt vào vòng chung kết.

Dự án đoạt giải Nhất của nhóm sinh viên ĐH Cần Thơ đã được hiện thực hóa, tạo ra thiết bị có ích cho đời sống. Theo Cao Thanh Hùng, thiết bị theo dõi ô nhiễm không khí dựa trên IOT- giám sát khí gas, CO, CO2, VOC, TVOC, độ ẩm, nhiệt độ; đồng thời kích hoạt báo động khi lượng khí độc trong không khí vượt quá mức cho phép thông qua hiển thị trên màn hình LCD cũng như trên ứng dụng smartphone để người dùng giám sát dễ dàng. Thanh Hùng nói: “Thiết bị vừa cảnh báo vừa kết nối với smartphone, liên tục cập nhật dữ liệu trong 30 ngày. Với ưu điểm, giao diện đơn giản, dễ sử dụng và theo dõi, thiết bị nhỏ gọn về kích thước, linh hoạt, độ nhạy cao, phạm vi hoạt động rộng, hiệu quả, ít phải bảo trì”. Theo Phương Hướng, nhóm đang đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo đuổi ước mơ

Không những đoạt giải Nhất vòng chung kết Cuộc thi, sản phẩm của nhóm Linh, Hướng, Hùng và Minh từng đoạt giải Nhất tại cuộc thi trình diễn ý tưởng sáng tạo do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cùng Trường ĐH Cần Thơ tổ chức. Để đạt được thành công, cả nhóm vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, trong đó thách thức lớn nhất là về quỹ thời gian, tài chính và kỹ thuật. Nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn là học tốt môn chuyên ngành, nên khi bắt tay vào thực hiện dự án, cả nhóm phải sử dụng tất cả thời gian rảnh cuối tuần, ngày lẫn đêm, để hoàn thành đúng tiến độ.

Theo Thùy Linh, chuyên ngành của bạn về kỹ thuật môi trường, còn công năng của thiết bị đòi hỏi cần có thêm kiến thức về công nghệ, kỹ thuật điện tử. Ban đầu, Linh thực hiện ý tưởng đề tài này cùng 2 thành viên khác, nhưng trong quá trình thực hiện, nhóm phải “chia tay” vì nhận thấy khi đào sâu lĩnh vực không chuyên, khả năng thất bại càng cao. 2 tháng sau, đề tài này đã được phát triển khi Linh gặp Hùng, Minh- sinh viên chuyên về lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Chỉ còn thiếu thành viên am hiểu về tài chính và Hướng là người thích hợp nhất để hoạch định chiến lược kinh doanh, nguồn vay vốn phát triển sản phẩm. Thế là, nhóm phân công, phân nhiệm từng thành viên: người tìm tài nguyên học liệu, người ra thị trường tìm thiết bị thí nghiệm, người làm thủ tục vay vốn ngân hàng...  Không ít lần, cả nhóm  trắng đêm nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, vận hành thiết bị, đến thực nghiệm môi trường, kinh doanh… Phương Hướng tâm tình: “Không bao lâu nữa tôi ra trường. Tuy học kinh doanh nhưng tôi muốn có thêm kiến thức của những lĩnh vựcyêu thích từ lâu là môi trường, cơ điện tử. Hơn hết, thông qua thực hiện dự án, tôi trui rèn thêm kỹ năng giao tiếp, cách làm việc nhóm,… Đây là hành trang quý báu trên bước đường khởi nghiệp sau này”.

Với Quang Minh, tuy đã vài lần tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng đây là lần đầu tiên tham gia ở cuộc thi lớn. Minh khẳng định: “Tham gia Cuộc thi giúp tôi trưởng thành hơn trong học tập lẫn rèn luyện. Tôi được thực hiện ước mơ của mình ở lĩnh vực yêu thích là môi trường, kinh doanh. Kế hoạch sau khi ra trường của tôi là tìm công việc thích hợp để vững vàng về kinh tế rồi du học theo chuyên ngành của mình. Trước mắt, cả nhóm phải chuẩn bị kỹ hơn dự án để ứng thí tốt cho Cuộc thi toàn quốc”. 

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết