17/07/2014 - 20:59

THIÊNG LIÊNG CỘT MỐC CHỦ QUYỀN

 Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa do Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ xây dựng
góp phần tuyên truyền, hun đúc tình yêu biển, đảo của Tổ quốc.

Chưa một lần đến Trường Sa nhưng với tình yêu, tấm lòng hướng về biển đảo yêu thương, tuổi trẻ quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa nhằm giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ cột mốc đầu tiên ở Trường THCS Thốt Nốt được xây dựng đầu năm 2012, đến nay toàn thành phố đã xây dựng 17 mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những ngày biển Đông “dậy sóng”, giờ sinh hoạt truyền thống về biển đảo bên mô hình cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa mang ý nghĩa thiêng liêng đối với các bạn trẻ. Đất liền và biển đảo như xích lại gần hơn trong câu hát thân quen: “ Không xa đâu Trường Sa ơi!...”

* Những mô hình cột mốc đầu tiên…

Hè năm nay, Trường THCS Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có nhiều hạng mục được xây mới, nhưng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa nằm giữa sân trường được Ban giám hiệu giữ lại nhằm nhắc nhở học sinh về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo anh Trương Chánh Trực, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thốt Nốt, đây là mô hình cột mốc chủ quyền đầu tiên của Đoàn bộ thành phố, mô hình có chiều cao 1,5m, ghi rõ tọa độ địa lý và được đặt trang trọng trong khuôn viên trường.

Bên cột mốc chủ quyền Trường Sa, một nhóm học sinh lớp 9 chăm chú xem những đoạn phim, hình ảnh sưu tầm về cuộc sống của người lính đảo. Dù nhiều lần tổ chức cho Chi đội lớp tìm hiểu về biển đảo, vậy mà buổi sinh hoạt ngày đầu hè để lại cho Nguyễn Thị Yến Nhi (Chi đội trưởng Lớp 9A9) cảm xúc khó tả. Đó là niềm tự hào về những người lính biển đang đối mặt với biết bao nguy hiểm ngoài biển khơi, đó là cảm giác thiêng liêng và ước nguyện đất nước được hòa bình. Yến Nhi bộc bạch: “Mỗi tối em đều xem bản tin thời sự để theo dõi tình hình biển Đông. Càng xem, em càng khâm phục sự kiên cường, mưu trí và anh dũng cán bộ, chiến sĩ của ta đang làm nhiệm vụ ngoài khơi Hoàng Sa”. Mấy ngày qua, Yến Nhi lên mạng sưu tầm nhiều đoạn phim, tài liệu về cuộc sống cán bộ, chiến sĩ hải quân để phát cho bạn bè xem, từ đó giúp các đội viên hiểu rõ hơn về đời sống của quân và dân ta, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước trong lòng các bạn trẻ. Với cảm xúc đó, hàng trăm lá thư thăm hỏi, động viên do các thiếu nhi viết rất gần gũi, chan chứa tình cảm đã được gửi đến cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở vùng hải đảo. Theo anh Trương Chánh Trực, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta, đồng thời huy động nhiều tàu đâm phá tàu thực thi pháp luật của ta, các buổi lễ chào cờ bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng khiến nhiều học sinh rưng rưng nước mắt. Nhiều học sinh còn ước muốn trở thành người lính biển để góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

* Đến nhà giàn DK1

“Như những cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại vùng thềm lục địa, tại các nhà giàn, dù điều kiện sinh hoạt cực kỳ thiếu thốn nhưng những chiến sĩ hải quân luôn kiên cường bám biển” – Đó là điều mà anh Chung Khánh Nghị, Phó Bí thư Quận đoàn Thốt Nốt muốn chia sẻ với các em học sinh về đời sống của những người lính nhà giàn và mô hình Nhà giàn DK1 tại Trường Tiểu học Trung Nhứt 1 ra đời với ý nghĩa đó.

Chưa một lần đến Trường Sa, nhưng với tình yêu biển đảo, anh Nghị đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa và nhà giàn DK1. Anh Nghị nhờ những cán bộ công tác ở Trường Sa chụp hình cột mốc, nhà giàn; sưu tầm tài liệu trên mạng Internet, sách báo viết về Trường Sa, nhà giàn để nghiên cứu thiết kế bản vẽ sao cho chân thật nhất. Nhờ sự giúp đỡ của anh em đồng nghiệp, hàng loạt mô hình cột mốc chủ quyền hoàn thành và đến cuối tháng 3-2013 mô hình Nhà giàn DK1 đầu tiên ở ĐBSCL hoàn thành. Đến Trường Tiểu học Trung Nhứt 1 (quận Thốt Nốt) từ xa đã thấy Nhà giàn DK1 uy nghi giữa sân trường, phía trên là cờ Tổ quốc bay phất phới. Mô hình được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, nhà giàn cao 7m, ngang 4m, với tổng trị giá 20 triệu đồng. Bên cạnh còn có bảng thông tin các công trình nhà giàn trên biển và những hình ảnh hoạt động của cán bộ, chiến sĩ hải quân. Theo anh Nguyễn Văn Ơn, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Trung Nhứt 1, đây không chỉ là địa điểm tuyên truyền, là góc học tập để các em nâng cao kiến thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đồng thời hun đúc thêm tinh thần yêu quê hương đất nước.

* Góp sức xây cột mốc Trường Sa

Bước chân vào cổng trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, từ xa đã thấy mô hình cột mốc Trường Sa sừng sững trong khuôn viên trường. Trên cột mốc, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới như nhắc nhở các bạn trẻ luôn hướng về “núm ruột” ngoài khơi của Tổ quốc. Mô hình cột mốc đảo Trường Sa được xây dựng bằng bê tông, cao 3,2m, đế rộng 3m. Trên bề mặt tứ cạnh cột mốc, ngoài việc thể hiện các vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa, các kỹ sư còn chạm khắc thêm biểu tượng trống đồng ở phần đế cột mốc. Điểm nhấn của cột mốc là phông cảnh biển đảo, được tôn lên bởi thảm cỏ 30m2 xanh rì với ý nghĩa đất liền và biển đảo gắn bó với nhau.

Ngày khánh thành công trình cùng lúc cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển của ta đang đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời của Tổ quốc ở ngoài khơi Hoàng Sa. Trong lễ khánh thành, hàng trăm sinh viên thể hiện tinh thần yêu nước, hạ quyết tâm chung sức hướng về biển Đông. Anh Nguyễn Quốc Trung, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, chia sẻ: “Điều đáng quý là chi phí xây dựng công trình hơn 36 triệu đồng đều do sinh viên trường đóng góp với mục đích hun đúc thêm tinh thần yêu nước, hướng về biển đảo trong tầng lớp học sinh, sinh viên…”.

Theo anh Trung, mô hình cột mốc Trường Sa do thầy trò trong trường tự thiết kế và thi công trong 60 ngày. Công trình không chỉ là góc học tập, cung cấp thông tin về chủ quyền quần đảo Trường Sa, mà còn khơi dậy tình yêu biển, đảo của quê hương trong lòng các bạn trẻ. Dương Văn Trọng, sinh viên ngành Điện Công nghiệp, chia sẻ: “Em rất vinh dự khi được góp phần xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa cùng với các thầy, các bạn. Theo em, mỗi sinh viên cũng là một tuyên truyền viên, vận động mọi người dân chung sức ủng hộ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc và bà con ngư dân đang bám biển. Chúng em luôn mong đất nước hòa bình nhưng khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, chúng em sẵn sàng lên đường nhập ngũ để bảo vệ  Tổ quốc”.

* * *

Ngày càng nhiều mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mọc lên tại các địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ, lan rộng đến các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Những cái tên Hoàng Sa, Trường Sa, Song Tử Tây, Sơn Ca hay nhà giàn DK… đã và đang khơi dậy tinh thần yêu nước, hướng về “núm ruột” thân thương của Tổ quốc của các thế hệ người Việt Nam.

Bài, ảnh: DÂN AN

Chia sẻ bài viết