10/04/2018 - 22:06

Thi đua lao động giỏi, góp sức xây dựng quê hương 

Trong giai đoạn 2013-2018, Hội Nông dân (HND) quận Thốt Nốt xác định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 1.796 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 59.000 lượt hội viên tham gia; vận động 46.597 lượt hộ đăng ký danh hiệu NDSXKDG, qua bình xét có 33.626 lượt hộ đạt NDSXKDG các cấp...

Mô hình phát triển bền vững

Nhờ ứng dụng khoa học trong sản xuất, cần cù lao động, nhiều nông dân ở quận Thốt Nốt đã xây dựng thành công mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, mô hình trồng lúa, nấm rơm, nuôi ếch, thu nhập trên 2,7 tỉ đồng/năm của ông Đặng Văn Đậu, phường Tân Hưng, được xem là mô hình phát triển bền vững. Với diện tích 13ha (trong đó 2,3ha đất gia đình, còn lại là đất thuê), ông Đậu trồng lúa chất lượng cao (3 vụ lúa/năm), thu nhập khoảng 1,6 tỉ đồng/ năm. Ông Đậu cho biết: “Nhờ dự các lớp tập huấn, tôi áp dụng  “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... nên đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Với mô hình trồng nấm rơm, ông Đặng Văn Đậu (bên trái) có thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ tháng.

Ngoài trồng lúa, ông Đậu còn thành công với mô hình trồng nấm rơm và nuôi ếch Thái. Theo ông Đậu, trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giá cả rất ổn định và được thương lái đến thu mua nên không phải lo đầu ra. Tùy vào thời điểm, nấm rơm có giá từ 30.000- 80.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi tháng ông bán nấm được 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lời trên 50 triệu đồng. Ông Đậu còn đầu tư mua ghe 20 tấn để vận chuyển rơm phục vụ cho việc trồng nấm rơm của gia đình và chở rơm thuê. Ông tính toán: “Ngoài thu mua rơm ở Cần Thơ, gia đình tôi còn thu mua rơm ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Trung bình, mua 1 ghe rơm 20 tấn có giá từ 17 đến 20 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí mỗi chuyến lời từ 2,5- 3,5 triệu đồng”. Mô hình nuôi ếch Thái cũng mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập 30- 40 triệu đồng/ năm. Các mô hình sản xuất của gia đình ông Đậu còn góp phần giải quyết việc làm cho 20 lao động tại địa phương với thu nhập 3,5- 5 triệu đồng/ người/tháng.

Chung tay xây dựng quê hương

Bên cạnh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, HND quận Thốt Nốt tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó có tuyến đường đê bao “Cánh đồng lớn” ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, dài trên 600m, rộng 4m, với tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bà Lê Thị Huyền, khu vực Tân Phước, cho biết: “Nhờ HND đứng ra vận động người dân hiến đất, bàn giao mặt bằng nên tuyến đường thi công rất nhanh. Hơn 2 tháng nay, tuyến đường “Cánh đồng lớn” khu vực Tân Phước được bê tông thông thoáng, xe cộ lưu thông dễ dàng”. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch HND phường Tân Hưng, đây là một trong những công trình tiêu biểu của HND phường lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu HND các cấp nhiệm kỳ 2013-2018. Sắp tới, HND phường tiếp tục vận động bà con nâng cấp, mở rộng các tuyến đường còn lại.

Trong giai đoạn 2013-2018, các cấp HND quận Thốt Nốt đã vận động bắc mới và sửa chữa 8 cây cầu, nâng cấp 21km đường giao thông, nạo vét trên 15 kênh mương…, với tổng số tiền do hội viên nông dân đóng trên 8 tỉ đồng và 13.356 ngày công lao động...

Ông Đoàn Văn Quân, Chủ tịch HND quận Thốt Nốt, cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2018-2023, HND quận Thốt Nốt sẽ tập trung các giải pháp quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, chủ động xây dựng giai cấp nông dân theo xu thế hội nhập.Trong đó, trọng tâm là nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào lớn của Hội, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân”.

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết