31/07/2018 - 14:33

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để chủ động phòng tránh

(TTXVN) - "Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, bão,  thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình ở ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất".  Đó là chỉ đạo của Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, tại cuộc họp về ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sáng 31/7, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng bão đổ bộ vào khu vực, chuẩn bị tốt các phương án thông báo, kêu gọi cũng như neo đậu tàu thuyền tránh trú khi có bão; tăng cường hệ thống truyền thông đến người dân và sẵn sàng phương án sơ tán dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng lũ lớn có thể xuất hiện trong đó bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới; tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung và tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay  những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển, nhất là tuyến các tuyến đê bao vùng thượng nguồn và đê biển Tây; đôn đốc tổ chức xử lý khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng  việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với lũ ngập dài ngày. Chỉ đạo hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với mưa lũ trên truyền hình, phát thanh, truyền thanh xã, ấp, nhất là kỹ năng phòng tránh lũ, dông, lốc, sét…Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thường xuyên phát các tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để chính quyền và người dân biết, chủ động có giải pháp ứng phó. Tổ chức trực ban theo quy định, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học Thuỷ lợi miền Nam, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ. Chỉ đạo việc kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.

Thời gian qua, do diễn biễn bất thường của thời tiết nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác cát ở thượng nguồn,…cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế-xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tác động do vỡ đập tại Lào, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại khu vực này  đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, lũ từ thượng nguồn đổ về đang lên nhanh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân và Nhà nước, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2010 đến nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tổng cộng 562 điểm sạt lở với chiều dài 786km (bờ sông: 513 điểm/ 520km; bờ biển: 49 điểm/266 km); trong đó đặc biệt nguy hiểm: 55 điểm/173 km; (bờ sông: 35 điểm/74 km; bờ biển: 20 điểm/98 km); nguy hiểm: 140 điểm/97 km; bình thường: 367 điểm/ 516 km.

Theo nhân định của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do lũ thượng nguồn về, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới báo động 1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới báo động1 là 0,25m).

Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên báo động1 là 0,20m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên báo động1 là 0,10m), sau đó biến đổi chậm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2 và trên báo động 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018.

Liên quan đến tình hình mưa lũ và hướng khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc thời gian qua, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai  thường xuyên theo dõi bản tin lũ khẩn cấp trên sông Bùi, tin lũ trên sông Hoàng Long, cảnh bảo lũ, lũ quét sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, chuyển các bản tin và trực đã trực tiếp gọi điện đến địa phương để đôn đốc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, tỉnh Hoà Bình đã chủ động triển khai và ban hành công điện chỉ đạo các biện pháp ứng phó với lũ, ngay trong chiều 30/7 thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng hộ đê để chống lũ, sẵn sàng các phương án thông báo chuẩn bị di dời dân cư, tài sản khi có tình huống xảy ra và huy động lực lượng, vật tư gia cố đê tả Bùi để ứng phó với diễn biến lũ. Lúc 18 giờ ngày 30/7 tại tổ 26 phường Đông Tiến, thành phố Hòa Bình đã xảy ra sạt lở bờ sông Đà làm 3 nhà (2 tầng) bị sạt xuống sông (không có thiệt hại về người). Ngay khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã huy động lực lượng ngay trong đêm di dời 22 hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, ngày 31/7 sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, thống kế thiệt hại.

"Cần tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ trên lưu vực hệ thống sông Bùi, sông Hoàng Long để thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo kiểm tra và sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các công trình đê điều trọng điểm xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công hoặc công trình đang xử lý, khắc phục sự cố; kiểm tra vận hành các cống, trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước, nhất là khu vực thấp, trũng, khu dân cự tập trung thường xuyên bị ngập úng". Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thắng Trung

Chia sẻ bài viết