12/11/2018 - 06:41

Thêm thách thức cho Thủ tướng Anh 

Việc Bộ trưởng Giao thông Jo Johnson bất ngờ từ chức cuối tuần rồi trong khi chỉ còn hơn 4 tháng nữa là Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (ngày 29-3-2019) đặt Thủ tướng Theresa May vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nguy hiểm hơn, theo ông này, một số thành viên nội các khác cũng đang cân nhắc có hành động tương tự.


Thủ tướng May ngày càng đơn độc trong đảng Bảo thủ. Ảnh: AFP

Không như anh trai Boris Johnson, người được xem là “kiến trúc sư trưởng” của chiến dịch Brexit và đã từ chức Ngoại trưởng hồi tháng 7 năm nay vì bất đồng với bà May, Jo Johnson ngay từ đầu ủng hộ việc Anh ở lại với EU. Ông cho rằng đang có một khoảng cách rất lớn giữa thực tế hiện nay và những lời hứa hoa mỹ trong cuộc trưng cầu dân ý hơn hai năm trước của phe vận động Brexit, cho nên sẽ là một sự “bôi bác dân chủ” nếu người dân không được quyền bỏ phiếu lần thứ hai. Theo cựu phóng viên tờ Financial Times này, Anh đang đứng bên bờ vực của “cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai”.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ trưởng Giao thông Jo Johnson, cựu Bộ trưởng Giáo dục Justine Greening ngày 10-11 gọi kế hoạch Brexit của Thủ tướng May là “sự từ bỏ chủ quyền lớn nhất trong thời hiện đại” và đề nghị các nghị sĩ bác bỏ nó, cũng như yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý lần hai. Bà Greening từ chức hồi tháng 1 năm nay đề phản đối việc bị chuyển sang làm Bộ trưởng Trợ cấp xã hội và hưu trí.

Trong khi đó, một bức thư gởi cho Thủ tướng May lưu hành trong các quan chức hàng đầu của đảng Bảo thủ cầm quyền mà báo Observer có được cũng khẳng định kế hoạch Brexit hiện thời là “đòn giáng mạnh vào chủ quyền của chúng ta”. Họ yêu cầu bà thực hiện cam kết trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6 năm ngoái là đưa Anh rời khỏi liên minh thuế quan EU, thị trường chung và Tòa án Công lý châu Âu. Họ cũng cảnh báo nếu tiếp tục như vậy thì đảng Bảo thủ có thể mất quyền lãnh đạo vào tay Công đảng sau cuộc bầu cử lần tới.

Những động thái dồn dập trên diễn ra trong bối cảnh bà May định họp nội các trong tháng này để tranh thủ sự ủng hộ của các bộ trưởng về kế hoạch Brexit, trong đó Anh tiếp tục gắn kết với hệ thống kinh tế của EU, nhưng không được phép tham gia vào việc đề ra “luật chơi”. Chính điều đó đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ không ít thành viên đảng Bảo thủ, những người cho rằng thay vì giành lại quyền kiểm soát từ Brussels, thỏa thuận này ngược lại làm cho Anh ít quyền lực hơn.

Ngoài kinh tế, vấn đề đường biên giới trên bộ giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thành viên EU) cũng là một thách thức đối với Thủ tướng May. Thủ lĩnh Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) Arlene Foster hôm thứ bảy nói rằng 10 nghị sĩ của đảng không thể ủng hộ thỏa thuận của bà May bởi vì nó “còng tay Anh vào EU, mà EU lại giữ chìa khóa”. Hiện đảng Bảo thủ đang dựa vào sự hậu thuẫn của DUP để lãnh đạo do đã mất thế đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử hồi năm ngoái.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy nếu tổ chức trưng cầu dân ý lại, người dân xứ sương mù sẽ chọn ở lại mái nhà chung. Thậm chí, có đến 52% người từng bỏ phiếu rời EU ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý lần hai.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết