12/07/2009 - 08:17

Thêm một lần lỡ hẹn

Đợt 1 và 2 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 vừa diễn ra trên toàn quốc theo tiêu chí “3 chung” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Thống kê cho thấy, ở cả 2 đợt thi, số lượng thí sinh có mặt dự thi chỉ khoảng 70% số lượng hồ sơ đăng ký dự thi. Như vậy, số lượng hồ sơ ảo, thí sinh ảo chiếm gần 30%, gây lãng phí rất lớn.

Tại cụm thi Cần Thơ năm nay, có trên 114.000 thí sinh đăng ký dự thi. Mặc dù so với năm trước, số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm trên 2.100 hồ sơ nhưng áp lực thí sinh vẫn khá nặng nề. Những con số phòng thi, lực lượng được huy động làm công tác thi... của cả 2 đợt thi thật khổng lồ: 2.480 lượt phòng thi; trên 6.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên; trên 650 công an, bảo vệ... Các ngành, các cấp cũng vào cuộc: lo chuẩn bị phòng ốc cách ly trong trường hợp phải cấp cứu các đối tượng tiếp xúc với đề thi; lo chuẩn bị hỗ trợ cấp cứu thí sinh- cán bộ trong các ngày thi; lo kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; lo đảm bảo giá cả không tăng đột biến... Khó mà tính ra được con số cụ thể tiêu tốn vào một kỳ thi chỉ để chọn ra chưa đến 10% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Nhưng chắc chắn rằng đó là một con số có không dưới 9 chữ số!

Phụ huynh chờ rước thí sinh trước cổng khu II - Đại học Cần Thơ. Ảnh: B.NG 

Rõ ràng kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là một kỳ thi quá tốn kém, quá áp lực cho toàn xã hội. Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Thiện Nhân cũng đã thừa nhận duy trì 2 kỳ thi cách nhau 1 tháng gây nhiều áp lực cho học sinh và hiện nay trên thế giới 90% các nước không tổ chức 2 kỳ thi. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã bắt tay vào tiến hành cải cách thi cử. Theo đó, việc sử dụng kết quả của một kỳ thi quốc gia vào 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học đã nhiều lần được nhắc đến. Thế nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở bàn và bàn. Mới đây, Bộ GD&ĐT lại quyết định tiếp tục lùi thời điểm triển khai thực hiện kỳ thi “hai trong một”.

Còn nhớ, năm 2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận về việc sáp nhập 2 kỳ thi. Theo đó, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học năm 2009 đạt được sự nghiêm túc và tin cậy như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thực hiện vào năm 2010. Vậy lý do gì mà Bộ GD&ĐT quyết định lùi “giờ G” trong khi theo nhận xét của Bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy? Lời giải thích là cần có thời gian cho các địa phương chuẩn bị, cho thí sinh sẵn sàng về mặt tâm lý, cho các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển phù hợp... Cũng có ý kiến từ Bộ GD&ĐT cho rằng sự đồng thuận của xã hội về đề án tổ chức một kỳ thi chưa cao, mà Bộ thì phải lắng nghe ý kiến của nhân dân trước những chủ trương lớn. Thực tế có phải nguyên nhân chính của vấn đề là kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chưa đạt được sự khách quan, nghiêm túc như Bộ GD&ĐT nhận xét? Mặc dù chưa có chứng cứ rõ ràng, nhưng những ngày qua, khi kết quả thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh thành được công bố, đã có những phản ứng từ dư luận xã hội về việc “chấm chặt”, “chấm lỏng” ở các môn khoa học xã hội, nhất là môn Văn.

Xung quanh việc tổ chức một kỳ thi để vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào đại học cao đẳng vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Hầu hết các ý kiến chưa đồng thuận đều bắt nguồn từ nguyên nhân lo lắng về tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi được tổ chức tại các địa phương. Để giải tỏa nỗi lo này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, chấm chéo bài thi tự luận. Thế là lại nảy sinh vấn đề “chấm chặt”, “chấm lỏng” giữa các địa phương. Tại sao có chuyện này? Bởi vì tỉnh A biết mình đang chấm bài cho ai và cũng biết rằng ai đang chấm bài cho tỉnh mình. Về cả lý và tình mà nói đều có thể xảy ra tình trạng thiếu khách quan, nghi ngờ lẫn nhau.

Như vậy, năm 2010 vẫn sẽ tổ chức riêng rẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ GD&ĐT lại thêm một lần lỡ hẹn. Bao giờ Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện kỳ thi “hai trong một”? Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía Bộ, cũng chưa có một lộ trình cụ thể được đưa ra. Và mỗi năm như vậy, cả xã hội vẫn còn phải tiêu tốn hàng tỉ đồng và hao tâm tổn lực cho một kỳ thi mà lẽ ra có thể giản lược bớt đi.

NGUYỄN KHUÊ

Chia sẻ bài viết