30/11/2012 - 21:27

Thêm động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông

Sau “tấm hộ chiếu lưỡi bò” bị tẩy chay, Trung Quốc lại muốn làm dậy sóng Biển Đông bằng một chính sách vô lý mới. Ảnh: AFP 

Khi cơn phẫn nộ của Việt Nam và Philippines xung quanh mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc "lén" in thêm cái "đường lưỡi bò" ngang ngược chưa lắng dịu, thì nước này tiếp tục có động thái gây hấn mới. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng Thư ký Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 30-11 cho biết việc Trung Quốc sắp cho cảnh sát tuần tra và bắt giữ tàu thuyền quốc tế tại các vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông là một diễn biến nghiêm trọng và chắc chắn sẽ làm tình hình trên Biển Đông thêm căng thẳng.

Theo qui định mới của Bắc Kinh, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, cảnh sát Hải Nam, một tỉnh đảo phía Nam Trung Quốc, sẽ có quyền tuần tra và bắt giữ các tàu thuyền quốc tế "xâm nhập bất hợp pháp vùng biển Trung Quốc" cũng như lệnh cho họ thay đổi hành trình hoặc ngừng di chuyển. Hải Nam là tỉnh chịu trách nhiệm quản lý những khu vực mà chính phủ Trung Quốc tuyên bố "mở rộng chủ quyền" đối với vô số hòn đảo lớn nhỏ trên Biển Đông. "Các hoạt động như thâm nhập hải phận của tỉnh mà không được phép, phương hại các cơ sở phòng vệ bờ biển và công khai đe dọa an ninh quốc gia đều là hành vi bất hợp pháp. Nếu các tàu nước ngoài hoặc thuyền viên vi phạm qui định, cảnh sát Hải Nam có quyền tịch thu tàu hoặc hệ thống liên lạc theo luật" – China Daily viết. Tờ báo này cũng cho biết Bắc Kinh sẽ điều thêm nhiều tàu hải giám ra Biển Đông để tuần tra.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters về vấn đề này, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định: "Sự leo thang căng thẳng đang ngày một gia tăng. Và việc đó (kế hoạch mới của Trung Quốc) là một diễn biến rất nghiêm trọng. Điều cực kỳ quan trọng hiện nay là cần hành xử kiềm chế và cố gắng tiếp cận vấn đề bằng một thái độ bình tĩnh và cởi mở lắng nghe ý kiến của tất cả các bên". Theo ông Surin, các biện pháp và chính sách không được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ gây hiểu lầm và có thể dẫn tới căng thẳng, thậm chí xung đột. Động thái này của Trung Quốc, nếu không được giải quyết ổn thỏa, có thể làm suy yếu lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Đông Á vốn được xem là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Biển Đông hiện được xem là "điểm nóng" tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự lớn nhất châu Á, khi nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền những vùng biển được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt này. Là tuyến đường ngắn nhất nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông sở hữu nhiều tuyến đường thủy sầm uất nhất thế giới, với hơn 50% lượng tàu chở dầu của thế giới đi qua khu vực này. Ngoài Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các nước như Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số khu vực trên Biển Đông. Duy chỉ có Trung Quốc ngang ngược bao chiếm toàn bộ Biển Đông.

Phía Philippines cho rằng động thái mới của Trung Quốc có thể vi phạm luật hàng hải quốc tế vốn cho phép tàu thuyền có quyền thông thương trên Biển Đông. Nước này cũng cáo buộc Bắc Kinh đang cố làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. "Điều đó thật quá đáng. Trong khi chúng tôi đang sử dụng mọi biện pháp hòa bình (để giải quyết tranh chấp) thì họ lại gây căng thẳng" – Trung tướng Hải quân Philippines Juancho Sabban nói. Trong khi đó, ông Rex Robles, một chuyên gia phân tích an ninh của Philippines, nhận định Trung Quốc chỉ đang cố thăm dò xem phản ứng của Mỹ tới đâu khi điều đó ảnh hưởng tới tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Bonnie Glaser (người Mỹ) cũng cho rằng người Trung Quốc tin "Mỹ sẽ không đánh đổi việc can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông để lấy sự đối đầu với Trung Quốc". Còn tại Washington, giới chức quân sự Mỹ cho rằng bài báo chỉ nói cảnh sát tỉnh Hải Nam, chứ không phải lực lượng quân đội, nên phạm vi của qui định không rõ ràng và vì vậy nó không ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền Mỹ. "Quyền tự do hàng hải là điều cần thiết cho mọi quốc gia có biển, và nó được áp dụng ở bất cứ nơi đâu"- Thiếu tướng John Kirby, một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ, tuyên bố.

Theo Reuters, tranh chấp trên Biển Đông càng gia tăng khi quân đội Mỹ chuyển trọng tâm chú ý và nguồn lực sang châu Á, tạo thêm động lực giúp đồng minh quân sự lâu đời Philippines tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

THANH TRÚC (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết