29/11/2017 - 09:40

Thế trận lòng dân trong chiến trường Lộ Vòng Cung Cần Thơ lịch sử 

Mỗi lần đi trên đường 923 từ Cái Răng vô Phong Điền, nhất là vào mùa gió chướng thông ngọn, trời se lạnh, báo hiệu Tết sắp về, tôi nhớ ngay những kỷ niệm về Tết Mậu Thân-1968 ở Lộ Vòng Cung lịch sử.

Những kỷ niệm mà tôi không sao quên được là chiến sự vô cùng khốc liệt giữa ta và địch, lại thêm những kỷ niệm về thế trận lòng dân bám sát thần kỳ với trận địa lửa đạn năm ấy.

Chủ trương tổng tiến công lần đầu tiên vào thành trì sào huyệt của Mỹ ngụy năm ấy là tạo thế trận bất ngờ, đặc biệt làm cho địch không thể nào ngăn chặn và đối phó kịp thời. Thế nên trước hết tôi ghi lại chuyện mở đường vào Lộ Vòng Cung tiến sát thị xã Cần Thơ có thế trận lòng dân mới đảm đương nổi.

Đoạn đường bí mật từ Bà Hiệp qua sông Cần Thơ, băng ngang Lộ Vòng Cung giữa rạch Rau Răm và Trường Tiền có đồn bót địch dày đặc.

Chính trên đoạn sông này, vào khoảng 9h tối đêm 29 Tết (năm đó lịch ghi không có đêm 30 mà 29 rồi mùng một), đêm ấy 3 chị em nữ đã bơi xuồng âm thầm đưa tiểu đoàn Tây Đô cùng  anh em tuyên huấn chúng tôi êm thấm bước qua Lộ Vòng Cung một cách an toàn. Bình thường muốn đi qua lộ, anh em ta phải dò xét nghe ngóng tình hình vài ba tiếng đồng hồ mới đi qua được. Đồn địch ở hai đầu đêm ấy cũng không nghe động tĩnh gì. Thế rồi anh em cơ sở ta dẫn  đường chúng tôi băng  đồng vào ngọn ngạch Rau Răm đi về Ngã Bát An Bình điểm tập kết bí mật của quân ta. Tiểu đoàn đi qua xã An Bình, thị xã Cần Thơ, nơi mà đại đội bộ phận chiến sĩ ta chưa từng đặt chân đến đây. Đi tới xóm ấp nào cũng có người ra đón và dẫn đường cho bộ đội. Bình thường chúng tôi hành quân ban đêm lúc nào cũng có trường hợp gặp trục trặc, phải dừng quân chờ đợi, thế nhưng trong đêm 29 Tết này, chúng tôi cứ đi tới mãi, đi nhanh không lúc nào đội hình bị gián đoạn. Đến khi vào xóm đông người, đoàn chúng tôi đi dài theo xóm ấp trong nỗi vui mừng nhộn nhịp của bà con cô bác, anh chị em. Các cán bộ địa phương đưa chúng tôi vào nghỉ trong nhiều nhà dân. Qua ngày mùng một Tết, bộ đội ta ăn ở công khai khắp xóm làng sát cạnh thị xã Cần Thơ. Thế mà địch ở tỉnh lỵ Phong Dinh và Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật vẫn không hay biết gì. Nhân dân An Bình trong những ngày đầu Tết Mậu Thân đã giữ bí mật rất tài tình. Đó cũng là thế trận lòng dân.

Tối mùng một Tết, lực lượng chúng tôi đi vào nội ô thị xã Cần Thơ. Cũng đi nhanh, đi an toàn như thế. Một số nam, nữ thanh niên thị xã thay nhau dẫn đường cho các cánh quân vào nội ô thị xã. Từ khu vực ngọn Rạch Ngỗng, chúng tôi đi vào đường Tạ Thu Thâu (Mậu Thân), rồi qua đường Tự Đức (Lý Tự Trọng) rồi đi ngang qua hồ Xáng Thổi sát Đại lộ Hòa Bình. Kết quả là trong đêm ấy, các cánh quân ta đều không bị lạc đường, không gặp trở ngại, các cánh quân đều đi nhanh đến điểm ấn định và đã khai hỏa đồng loạt vào khoảng 2 giờ khuya mùng một rạng sáng ngày mùng 2 Tết. Lực lượng biệt động thị xã Cần Thơ đã đột nhập vào nội ô thị xã từ một ngày trước đó. Lực lượng biệt động bí mật vào được nội ô trước giờ G là nhờ nhân dân trong nội ô thị xã đã xây dựng hầm bí mật và tổ chức khéo léo đưa đón từng cán bộ, chiến sĩ biệt động và vũ khí vào nhà mình. Điển hình như gia đình chị Lư Thị Dậu ở số 158/28 Điện Biên Phủ, gia đình anh Huỳnh Quốc Hoa, công nhân hãng xà bông Châu Văn Liêm, vợ chồng đồng chí Tám Thành ở hẻm Phan Đình Phùng, gia đình ông Lâm Quang Vinh ở 111 Hoàng Văn Thụ, nhà đồng chí Lâm Minh ở 107 Lý Thái Tổ, nhà ông Vương Sanh và bà Vạn Kiều ở 80/4/12 Điện Biên Phủ, nhà đồng chí Vương Đạo và vợ là đồng chí Hương ở nhà may Kiến Tân đường Phan Đình Phùng, nhà đồng chí Nguyễn Thị Nhung đường Quang Trung, gia đình ông Năm Thép ở chợ Cao Đài, gia đình ông Năm Nhi ở Cầu Xéo đường Phan Đình Phùng.  Đặc biệt ông Vương Sanh có một xe tải nhỏ đi làm ăn. Trong những ngày này ông đã dùng xe tải này để rước các đồng chí Bảy Khanh, Tư Phước, Tám Đỏm, Năm Tâm vào trong nội ô thị xã trực tiếp chỉ đạo tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Cũng không thể nào không nhắc tới một thế trận đặc biệt của lòng dân trong Mậu Thân 1968. Đó là lực lượng nội tuyến của ta nằm trong lòng địch luôn luôn tạo ra những yếu tố bí mật và bất ngờ trong Tết Mậu Thân. Mặc dù từ đêm mùng một Tết ta đã nổ súng tấn công các sào huyệt của địch, địch đã biết rõ ý đồ chiến lược của ta. Lúc đấy, yếu tố bất ngờ không còn nữa. Thế mà lực lượng nội tuyến của ta đã hành động làm cho địch bị bất ngờ và choáng váng. Điển hình là đêm mùng bảy, rạng sáng mùng tám Tết, 3 đoàn viên thanh niên Trương Trung Hiện, Trương Trung Tuyền và Ngô Văn Quân phối hợp cùng bộ đội và du kích tấn công vào sân bay Lộ Tẻ diệt đại đội Bảo An 629, một số tên cố vấn Mỹ, phá hủy 29 trực thăng, đốt cháy kho  xăng dầu, kho đạn róc két.

Cũng trong thời gian này 3 cơ sở nội tuyến khác khéo léo vận động cả một đại đội bảo an nổi dậy khởi nghĩa. Khuếch trương thắng lợi bất ngờ này, lực lượng ta dùng 3 mũi giáp công ở Vòng Cung đã bứt hàng, bứt rút hầu hết các đồn bót địch trong vùng ruột Lộ Vòng Cung, tạo điều kiện cho quân và dân ta xoay chuyển thế trận bám trụ đánh địch liên tục trong suốt 2 tháng tại đây.

Khi tôi viết xong những dòng kỷ niệm về thế trận lòng dân ở vùng Vòng Cung lịch sử thì lòng tôi lại càng sáng tỏ một chân lý mà Bác Hồ nêu ra: “đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, đại thành công”. Thực tiễn lịch sử đã chỉ rõ trong mọi thời kỳ cách mạng, không chỉ là thời kỳ trước mà cả trong thời kỳ hiện tại dù ở vào hoàn cảnh thuận lợi tới đâu hoặc gặp khó khăn nguy hiểm đến mấy, nếu chưa dựa được vào thế trận lòng dân thì chưa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Còn khi đã hoàn toàn dựa vào thế trận lòng dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì nhất định sẽ tạo ra những kỳ tích cách mạng vĩ đại, lưu truyền muôn thuở như thắng lợi quyết định của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, như Đại Thắng Mùa Xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

HUỲNH THƯƠNG - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cần Thơ

Chia sẻ bài viết