27/04/2018 - 10:21

Thể hiện cái “tôi” 

Đó là việc hiển nhiên của mỗi người trong cuộc sống. Nhưng thể hiện thế nào để khẳng định bản thân, không làm xấu mối quan hệ với mọi người là điều mỗi bạn trẻ luôn băn khoăn.

Thể hiện bản thân

Q.P (22 tuổi) luôn khiến bạn bè ngưỡng mộ vì năng khiếu văn nghệ, chơi thể thao giỏi, giao tiếp tốt… Thế nhưng từ khi được bầu vào vị trí chủ chốt trong Liên chi Hội Sinh viên (HSV) tỉnh, P. luôn thể hiện “quyền lực”, muốn bạn bè phục tùng ý kiến cá nhân. Một số hội viên góp ý, P. tẩy chay bằng cách không tham gia các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, chương trình nào sau đó có liên hoan, ăn uống, P. thường xuất hiện, tỏ vẻ xông xáo, biết xã giao...

Triều Dương tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng (Ảnh: CTV)

Hiện nay, nhiều bạn trẻ thể hiện cái "tôi" qua những hành động lố bịch, phản cảm, nghĩ rằng đó là quyền cá nhân và không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét về góc độ quan hệ với cộng đồng, những cái "tôi" kệch cỡm luôn gặp nhiều phản ứng. Huỳnh Trúc Quỳnh, 19 tuổi, SV Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cho biết: “Tôi có một số bạn thường "khoe" trên mạng xã hội có nhiều bạn trai theo đuổi. Một số bạn còn tường thuật hằng ngày việc bạn nam nào đưa đón, tặng quà gì, đi ăn ở đâu … Nhiều bạn bè góp ý nhưng người trong cuộc... đều bỏ ngoài tai”.

“Tôi nghĩ cái "tôi" là ý chí của cá nhân muốn thể hiện mình trong công việc, cuộc sống. Không nên vì cái "tôi" mà muốn người khác bị khuất phục” – Lê Võ Triều Dương, SV Trường Đại học Tây Đô (ĐHTĐ) chia sẻ. Suy nghĩ vậy nên sau 3 năm học ngành Công nghệ thông tin ở TP Hồ Chí Minh, Triều Dương quyết định bỏ học để theo ngành Dược ở Trường ĐHTĐ, vì... thích hợp với mình. Những ngày đầu, Dương gặp nhiều khó khăn vì môi trường học tập mới, trong khi quên nhiều kiến thức cũ… Tuy nhiên, Dương nỗ lực vượt qua để trở thành SV giỏi, cán bộ HSV năng động, nhiều sáng kiến đẩy mạnh phong trào SV tỉnh Đồng Tháp.

Đi tìm cái "tôi'

Theo Triều Dương, vì làm cán bộ Hội nên Dương rất cần cái "tôi" cá nhân để giải quyết nhiều vấn đề. Chẳng hạn trước đây, có cán bộ Hội chỉ muốn phát triển hoạt động Chi HSV địa phương, không muốn giúp các Chi hội khác. Dương cố gắng thuyết phục các bạn hiểu rằng, việc giúp các Chi hội bạn hoạt động ổn định cũng là giúp cho Liên chi HSV tỉnh phát triển. “Lúc đầu, một số bạn không hiểu nên giận nhưng giờ đều ủng hộ tôi. Các bạn đó đang dần bỏ cái "tôi" để tham gia các hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng, địa phương” – Triều Dương cho biết.

Trần Thảo Linh, SV ngành Chế biến thủy sản khóa 43 Trường ĐHCT, đang sống trong ký túc xá nên Linh luôn điều chỉnh cái "tôi" để có thể phù hợp số đông bạn bè. Thỉnh thoảng, Linh nổi giận với bạn trong phòng về việc giữ gìn vệ sinh chung, làm ồn… và đều tìm cách giải quyết. Sau một năm sống chung, Linh và các bạn xây dựng mối quan hệ tốt, sẵn sàng trao đổi để giải tỏa mâu thuẫn. Thảo Linh cho biết: “Hơi nóng tính nên tôi luôn tập kiềm chế để hòa đồng với mọi người. Đôi khi bạn bè nổi giận nhưng lúc đó tôi đều im lặng, tìm cách làm hòa và không bao giờ đề cập chuyện cũ nữa”.

Theo Huỳnh Trúc Quỳnh, thể hiện cái "tôi" là luôn giữ tinh thần hòa đồng, vui vẻ và hạn chế tranh luận những vấn đề không đáng. Quỳnh nghĩ, đa số bạn trẻ muốn thể hiện cái "tôi" nhưng cần đúng cách, trên tinh thần xây dựng, lắng nghe là trên hết. Bên cạnh đó, cái "tôi" cá nhân cần hạn chế bị tác động bởi những phát ngôn khi không kiểm soát được. Bạn Lê Võ Triều Dương cho rằng: “Cái "tôi" là dám đứng lên bên bảo vệ sự thật. Tuy nhiên, nên từ bỏ cái "tôi" khi những vấn đề không mang lợi ích tập thể hoặc thể hiện bản thân ích kỷ. Ngoài ra, thể hiện cái "tôi" cũng là giữ vững quan điểm nhưng không bảo thủ, không xuôi theo ý kiến người khác”.

KHANG MINH

Chia sẻ bài viết