11/05/2018 - 21:28

Thế giới thiếu phi công vì Trung Quốc 

Các hãng hàng không Trung Quốc đang vung tiền mua các trường đào tạo phi công nước ngoài cũng như “săn” phi công, làm gia tăng tình trạng thiếu hụt phi công vốn được cho có khả năng khiến ngành công nghiệp hàng không toàn cầu lâm vào khủng hoảng. 

Một phi công ngoại đang làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: AP
Một phi công ngoại đang làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: AP

Để thu hút nhân tài, các hãng hàng không Trung Quốc chi tiền học phí cho các học viên phi công và tăng cường nỗ lực đào tạo tài năng ở địa phương. Tuy nhiên, chỉ có 22 trường đào tạo phi công ở Trung Quốc cùng với những hạn chế về việc sử dụng không phận trong nước, Bắc Kinh do đó đang nỗ lực hợp tác với các trường đào tạo phi công nước ngoài. Theo đó, gần một nửa trong số 5.053 phi công thực tập của Trung Quốc hồi năm ngoái được đào tạo ở nước ngoài, giúp các cơ sở ở Mỹ, Canada và Úc “ăn nên làm ra”.

Các hãng hàng không Trung Quốc thậm chí còn mua các trường đào tạo phi công ngoại quốc. Đơn cử, hãng Đông Phương năm 2014 đã mua một nửa chi nhánh tại Úc của Học viện Hàng không CAE Oxford (Anh), hiện đang đào tạo 150 phi công tại đây và dự định sẽ nâng con số này lên gấp đôi sau khi hoàn thiện việc xây dựng cơ sở vật chất với mức đầu tư lên tới 50 triệu USD.

Các hãng hàng không Trung Quốc cũng đưa ra mức lương cực kỳ cạnh tranh đối với các phi công chuyển đến làm việc tại Thượng Hải hoặc Bắc Kinh. Những tháng gần đây, các hãng hàng không lớn của Trung Quốc như Phương Đông, hãng hàng không quốc tế Trung Quốc, Nam Phương và Hải Nam đã tăng cường tuyển dụng và mở rộng công tác đào tạo phi công ở nước ngoài. Họ không ngần ngại mạnh tay chi cho các phi công ngoại. Theo đó, các phi công đến từ Mỹ La-tinh cũng như một số nước châu Âu có thể nhận mức lương gấp 4 lần khi làm việc tại Trung Quốc. Lương khởi điểm dành cho các khi công ngoại tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong vòng 10 năm qua, từ mức 10.000 USD/tháng lên 26.000 USD/tháng, lại được miễn cả thuế.

Với mức lương hấp dẫn, hàng loạt phi công ngoại đã đầu quân cho Trung Quốc, gây ra tình trạng thiếu hụt phi công trên toàn cầu, khiến nhiều chuyến bay bị hủy, làm giảm lợi nhuận cũng như đe dọa các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, hiện Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ để trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022. Hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) dự đoán rằng Trung Quốc sẽ cần 110.000 phi công mới từ nay đến năm 2035, và các hãng hàng không của nước này dự kiến sẽ mua thêm 7.000 máy bay thương mại trong vòng 2 thập kỷ tới.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết