14/04/2011 - 21:52

Thế giới tấp nập bàn chuyện Libye

Ngay sau cuộc họp ngoại giao của liên quân một số nước Trung Đông và phương Tây trong cái gọi là “Nhóm tiếp xúc về Libye” tại Qatar ngày 13-4, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn A-rập (AL), Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) lại gặp nhau ở Ai Cập, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tập trung tại Đức...

Ông Gadhafi xuất hiện trước công chúng hôm 10-4 tại Thủ đô Tripoli. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp ngày 13-4 ở Thủ đô Doha (Qatar), các ngoại trưởng của “Nhóm tiếp xúc về Libye” đã lần đầu tiên đưa ra tuyên bố chung thống nhất cần chấm dứt chế độ cầm quyền 41 năm của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi, đồng thời công nhận Hội đồng quốc gia lâm thời của phe đối lập là “bên đối thoại hợp pháp, đại diện cho nguyện vọng của nhân dân Libye”. Tuy nhiên, giới ngoại giao một số nước Trung Đông và phương Tây trong liên quân vẫn tiếp tục bị chia rẽ về biện pháp quân sự cứng rắn nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến chống Đại tá Gadhafi cũng như cách thức hỗ trợ (chủ yếu là cung cấp vũ khí) cho phe nổi dậy. Theo các nhà phân tích, một số nước phương Tây tham gia cuộc chiến chống Libye lo ngại vũ khí tài trợ cho phe đối lập có nguy cơ rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan thân tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Trong khi đó, tại cuộc họp ở Thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 14-4, các phái đoàn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thư ký AL Amr Moussa, Tổng thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu, Chủ tịch AU Jean Ping và Cao ủy Đối ngoại EU Catherine Ashton mặc dù cũng kêu gọi ông Gadhafi từ bỏ quyền lực, nhưng không thể kiến nghị được một chiến lược chung buộc ông phải nhanh chóng ra đi để giúp Libye thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài gây tổn thất cho nhân dân Bắc Phi này và cả những bên có liên quan trực tiếp. Mục tiêu khác của hội nghị là tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân trong cuộc chiến tại Libye cũng khó khả thi bởi các bên tham chiến hiện nay không dễ chấp nhận tạm thời ngừng bắn và không kích. Ngay cả Mỹ, theo tờ Thời báo Los Angeles ngày 13-4, mặc dù tuyên bố chỉ đóng vai trò hậu cần nhưng vẫn thường xuyên tấn công nhiều mục tiêu phòng không của quân đội Libye.

Dẫu vậy, theo nhận định của Tân Hoa Xã ngày 14-4, trong bối cảnh có nguy cơ lâm vào thế bị sa lầy và thậm chí thất bại, NATO - “chủ xị” của chiến dịch quân sự tại Libye - đã triệu tập cuộc họp ngoại trưởng khẩn cấp tại Thủ đô Berlin của Đức trong hai ngày 14 và 15-4. Mục đích của hội nghị này là thúc giục các bên tham chiến trong NATO như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển và một số đối tác ở Trung Đông tăng cường không kích chống Libye, đồng thời gây sức ép các nước thành viên khác còn đứng bên lề “chia sẻ trách nhiệm”. Trước hội nghị ngoại trưởng NATO, ngày 13-4, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc gặp thượng đỉnh bất thường tại Thủ đô Paris và cảnh báo nếu các đồng minh khác trong NATO không tích cực hơn trong việc chia sẻ gánh nặng, trong đó có việc triển khai thêm máy bay chiến đấu, thì Anh và Pháp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Libye. Tuy nhiên, dư luận cho rằng lời cảnh báo của hai quốc gia hăng hái nhất trong việc kêu gọi quốc tế can thiệp quân sự lật đổ chính phủ đương nhiệm Libye này khó mang lại kết quả cụ thể gì tại hội nghị của NATO.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết