13/11/2018 - 09:46

Thế giới cạnh tranh thu hút du khách y tế Trung Quốc 

Trung Quốc là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, trong đó du lịch y tế đang là xu hướng phát triển mới. Vì thế, nhiều nước đang chạy đua thu hút du khách đến từ quốc gia đông dân nhất hành tinh đến tham quan, chăm sóc sức khỏe.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, Trung Quốc là quốc gia có chất lượng và khả năng tiếp cận chăm sóc y tế rất không đồng đều giữa các tỉnh thành và vùng miền. Chất lượng và dịch vụ chăm sóc y tế ở Thủ đô Bắc Kinh thuộc dạng cao nhất thế giới, nhưng nhiều nơi khác thuộc dạng khó khăn. Chỉ số chất lượng và khả năng tiếp cận y tế của Trung Quốc năm 2016 theo công bố của tạp chí The Lancet đứng hàng thứ 48/195 quốc gia. Đây là lý do nhiều người Trung Quốc nếu có điều kiện kinh tế chọn cách ra nước ngoài chữa bệnh.

Bệnh viện Sidra Medicine, nơi thường lui tới của du khách y tế Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Không chỉ các nước châu Á, châu Âu và Mỹ, một số quốc gia khu vực Trung Đông cũng bắt đầu thu hút du khách y tế Trung Quốc. Theo SCMP, dù “sinh sau” các điểm đến du lịch y tế hàng đầu như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Mỹ và Singapore, nhưng các quốc gia vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Qatar hiện đang hy vọng “hốt bạc” từ thị trường đầy hứa hẹn này. “Chúng tôi gần đây tiếp nhận một lượng bệnh nhân ổn định vốn trước đây đến Liên minh châu Âu điều trị. Bước tiếp theo chúng tôi cần làm là mở rộng mối quan hệ đối tác với các tổ chức y tế Trung Quốc cũng như các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe” - Shujahat Shah, nhà tư vấn sức khỏe quốc tế tại Bệnh viện Sidra Medicine (Qatar), cho biết.

Trong những năm gần đây, Chính phủ UAE và Qatar đã mạnh tay chuyển đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe để không chỉ phục vụ bệnh nhân trong nước mà còn thu hút bệnh nhân nước ngoài. Và Bệnh viện Sidra Medicine được lập ra để cung cấp dịch vụ điều trị đặc biệt dành cho bệnh nhân du lịch y tế, cũng như cung cấp cho người dân địa phương dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà trước đây chỉ có ở nước ngoài. Theo SCMP, bệnh viện chuyên về sức khỏe phụ nữ, trẻ em này đảm trách việc liên lạc với giới chức lãnh sự, sắp xếp việc đi lại và cả chỗ ở cho bệnh nhân. Một phần trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động từ sự phong tỏa của liên minh các nước láng giềng, Qatar hồi năm ngoái tuyên bố miễn thị thực đối với công dân Trung Quốc. Kết quả là, trong khi tổng số du khách đến Qatar giảm trong nửa đầu năm 2018, lượng du khách đến từ Trung Quốc tăng gần 30%.

Trong khi đó, UAE hồi năm 2002 đã cho thành lập Thành phố Chăm sóc Sức khỏe (Healthcare City) ở Dubai. Cơ quan Y tế Dubai cho biết, hơn 326.000 du khách y tế đến thăm thành phố này vào năm 2016, hơn 1/3 trong số đó đến từ các nước châu Á. Tháng trước, Healthcare City tuyên bố hợp tác với một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thành phố Macau để cung cấp dịch vụ y học cổ truyền Trung Quốc. Đến nay, nhiều tổ chức nổi tiếng của Mỹ như Đại học Johns Hopkins và Bệnh viện Cleveland Clinic cũng đã hợp tác với các trung tâm chăm sóc sức khỏe tại UAE và Qatar để mở rộng danh tiếng trong khu vực.

Nhờ vậy, các trung tâm chăm sóc y tế tại Trung Đông những năm gần đây đã phát triển mạnh, góp phần ngăn chặn các công dân giàu có của mình đến Đức, Anh, Mỹ du lịch chữa bệnh.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết