29/01/2011 - 20:35

Thế đứng vùng châu thổ

Chiếm 12% diện tích tự nhiên, đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn giữ vai trò an ninh lương thực quốc gia. Hạt gạo, con cá, tôm vùng ĐBSCL đã vươn ra khắp các châu lục trên thế giới. Giờ đây, nhiều khu công nghiệp (KCN) mọc lên với nhà máy, xí nghiệp đã khoác lên vùng đất Chín Rồng một tấm áo mới, hòa nhịp cùng tiến trình công nghiệp hóa của cả nước. Đất Chín Rồng đang khẳng định thế đứng của mình trong giai đoạn mới...

* Khơi dòng chảy

Cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, cảng hàng không Cần Thơ, cảng Cái Cui giai đoạn 1... hoàn thành được xem là dấu ấn của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL. Từ năm 2005 đến nay, ngành công nghiệp ĐBSCL luôn tăng trưởng với tốc độ cao. Giờ đây, dọc hai nhánh rẽ của dòng Mekong- sông Tiền, sông Hậu và các trục quốc lộ khí thế ở các KCN- “xương sống” của tiến trình công nghiệp hóa đang sôi động từng ngày. Toàn vùng đã quy hoạch 270 khu, cụm công nghiệp, tổng diện tích 57.787 ha. Cùng với sự phát triển này, nhiều chính sách thông thoáng, kịp thời trong mời gọi đầu tư được các tỉnh tận dụng để khơi dòng chảy vùng châu thổ. Có thể nói, bức tranh công nghiệp với những gam màu tươi tắn đã và đang làm thay đổi vùng đất vốn được xem là miệt vườn thuần nông.

...Cuối năm, có dịp xuôi về hai nhánh rẽ của dòng Mekong sẽ thấy sự nhộn nhịp của nhà máy, xí nghiệp trong KCN với những đoàn xe ra vào tấp nập, công nhân hối hả giờ tan ca. Đến “cửa ngõ” ĐBSCL- tỉnh Long An, tiếp giáp với TPHCM, gần các cảng lớn,... là điều kiện thuận lợi để Long An quy hoạch và phát triển KCN. Đứng thứ 2 về giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trong vùng và có nhiều KCN tập trung nhất, với 23 KCN, diện tích quy hoạch hơn 9.762 ha đã được Chính phủ phê duyệt. “Các KCN của tỉnh đều cách TPHCM với bán kính không quá 30 km, đường thủy, đường bộ thuận lợi là điều kiện tốt để Long An trở thành vùng giãn nở công nghiệp”- đó là thông điệp tôi biết từ ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý các KCN Long An. Năm 2010, các KCN Long An thu hút 49 dự án đầu tư mới; trong đó có 19 dự án FDI, vốn 164,2 triệu USD, vốn tăng gấp 5 lần so với năm trước. Chỉ riêng dự án của Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất ván ép tại KCN Phú An Thạnh, vốn đăng ký đã 100 triệu USD. Các KCN Long An hiện có 411 dự án còn hiệu lực; trong đó, 142 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn trên 1,246 tỉ USD và các dự án trong nước, vốn đăng ký 11.982 tỉ đồng. Chỉ mới 203 doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động, nhưng hiện GTSXCN đã chiếm 36% giá trị công nghiệp toàn tỉnh và giải quyết việc làm cho 44.500 lao động. Trưởng Ban quản lý các KCN Long An Phan Thành Phi lạc quan cho rằng, thời gian tới, tỷ trọng này sẽ tăng cao, vì nhà đầu tư thứ cấp hoạt động nhiều hơn, tiến độ giải ngân vốn của DN đang tăng nhanh...

Không nhộn nhịp như Long An, nhưng Tiền Giang và Bến Tre khá thành công trong mời gọi đầu tư. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, môi trường đầu tư không ngừng cải thiện, Tiền Giang đã và đang được nhiều DN quan tâm. Còn Bến Tre hôm nay và cách đây hai năm có nhiều khác biệt mà bất kỳ nhà đầu tư nào đến tỉnh này cũng ngạc nhiên. Cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đã tạo thế và lực mới, đưa đất cù lao Bến Tre cất cánh. KCN Giao Long và KCN An Hiệp đã lấp đầy trên 80% diện tích đất công nghiệp với 29 nhà đầu tư. Theo một vị lãnh đạo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bến Tre (IPC), năm 2005, tỉnh chỉ thu hút 5 dự án FDI, vốn 10 triệu USD, thì hiện tại đã nâng lên 24 dự án, vốn đăng ký 170 triệu USD. Giai đoạn 2006-2010, số DN trong nước đăng ký mới cũng tăng, hằng năm khoảng 250 DN mới thành lập, vốn đăng ký bình quân 600 tỉ đồng/năm. Tỉnh quy hoạch và đầu tư hạ tầng 5 KCN mới giai đoạn 2011- 2020, có lẽ hai năm nữa chưa có KCN mới nào hoàn thành, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, vốn đầu tư... nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn đặt kỳ vọng.

Công ty TNHH May KwongLung Meko là một trong những doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có mặt đầu tiên trong KCN Trà Nóc. Ảnh: T.HÀ

Tôi cũng kỳ vọng, bức tranh công nghiệp sông Tiền sẽ hòa dòng cùng sông Hậu, chảy mạnh mẽ hơn...

* Gợi lên những gam màu sáng

Giờ đây, vùng đất phì nhiêu bậc nhất khu vực Đông Nam Á- ĐBSCL đang trở mình mạnh mẽ. Năm 2010, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 28,66% (công nghiệp trên 80%) trong GDP toàn vùng, GTSXCN chiếm gần 15,4% so với cả nước... Ở hầu hết các địa phương, GTSXCN của các DN trong KCN chiếm 30- 60% giá trị toàn ngành công nghiệp. Đi cùng với thăng trầm trong quá trình phát triển các KCN là những DN gắn bó từ ngày đầu, những nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp. Họ đến tìm hiểu đầu tư và không ít DN đã mạnh dạn mở rộng sản xuất...

Công ty cổ phần May Meko- KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ những ngày cuối năm, không khí làm việc thật hối hả. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Meko, hướng dẫn tôi tham quan một vòng quanh các xưởng sản xuất, ông khoe về những chiếc máy may đầu khô nhập từ Nhật Bản, mỗi cái hơn 20 triệu đồng, nhưng nó đã giúp công ty gặt hái nhiều thành quả trong xuất khẩu. Triết lý kinh doanh của ông thật đơn giản: “Có thời cơ tốt, phải mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng phải đảm bảo đời sống cho người lao động. Bởi họ là hạt nhân trong sự thành, bại của một đơn vị”. Số công nhân hiện tại của công ty khoảng 2.000 người, mức thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tết Tân Mão này, quỹ tiền thưởng của Meko dự kiến khoảng 8 tỉ đồng để thưởng cho công nhân. Ông đang cùng các cộng sự khảo sát địa điểm trong KCN Trà Nóc 2 để mở thêm 3 chuyền sản xuất nữa trong năm mới.

Sông Hậu sôi động là thế, còn ở sông Tiền, khí thế cũng không kém. Tại vùng “giãn nở công nghiệp” Long An, tỉnh đã năng động mời nhà đầu tư hạ tầng, nhằm giảm áp lực về vốn đầu tư cho ngân sách tỉnh. Qua 5 năm xây dựng và phát triển, KCN Nhựt Chánh- xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức hiện đã lấp đầy 71% diện tích trên tổng số 74 ha đất công nghiệp, thu hút 17 DN đầu tư kho lạnh, chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, bê tông..., vốn đăng ký trên 100 triệu USD và giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Ông Nguyễn Minh Đạt, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thanh Yến- chủ đầu tư hạ tầng KCN Nhựt Chánh, khoe: “Ngay khi khởi động, Thanh Yến đã quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường nội bộ, cấp nước, điện và nhà máy xử lý nước thải phục vụ nhà đầu tư. Các DN đến đây, Thanh Yến sẽ hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý, mã số thuế, tìm lao động... Chúng tôi đang tiến hành mở rộng giai đoạn 2 khoảng 33,9 ha với các hạng mục khu dân cư, trung tâm thương mại, trường học phục vụ lực lượng lao động đang làm việc tại KCN, người dân bị thu hồi đất để họ gắn bó lâu dài hơn”. Hiện có 14/17 dự án đang hoạt động và nhà máy xử lý nước thải (giai đoạn 1) với công suất 1.500m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động năm 2010. “Mỗi người một hành động vì môi trường xanh- sạch- đẹp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế tỉnh Long An” là thông điệp mà chủ đầu tư KCN Nhựt Chánh hướng tới...

Đi một vòng qua các KCN ở ĐBSCL, những tiếng nói cười rộn rã của công nhân Công ty cổ phần May Meko giờ tan ca, tiếng ầm ầm phát ra từ những chiếc máy xúc, máy ủi thi công hạ tầng các KCN mới... đã gợi lên trong tôi hình ảnh về sức vươn mới của vùng châu thổ.

* Sức vươn mới

Còn nhớ năm 1995, KCN đầu tiên của vùng được thành lập- KCN Trà Nóc (Cần Thơ), khái niệm thu hút đầu tư khá mới mẻ với địa phương. Những cơn “khát” đầu tư ngay buổi đầu thành lập, đã đẩy các tỉnh vào cuộc đua mời gọi. Còn giờ đây, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định- “nói không với ô nhiễm”, chắt lọc dự án để tạo giá trị gia tăng ngành công nghiệp, đó mới là hướng đi bền vững.

So với các địa phương trong vùng, thành phố trẻ Cần Thơ đóng vai trò trung tâm động lực vùng, nên nhiệm vụ nặng nề hơn. Với thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.950 USD/người/năm (tăng 200 USD so với năm 2009), thành phố Cần Thơ đang dẫn đầu khu vực về GTSXCN; năm 2010, tỷ trọng công nghiệp chiếm khoảng 39,1% GDP của thành phố. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, khẳng định: “Công nghiệp Cần Thơ phát triển nhảy vọt cả về chất lẫn lượng, cơ sở công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy KCN tăng. Công nghiệp thành phố đang hướng đến tiêu chí cao hơn. Là thành phố trung tâm, diện tích công nghiệp của Cần Thơ không nhiều, nên phải chọn lọc dự án công nghệ cao có sức lan tỏa như: công nghiệp ô tô, điện, hóa dầu, chế biến sản phẩm nông sản tinh... Thành phố mong muốn là trạm trung chuyển và chế biến các sản phẩm tinh cho các DN trong vùng”. Hay lời chia sẻ của Trưởng BQL các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ Võ Thanh Hùng: “ĐBSCL không nhiều tài nguyên, khoáng sản mà chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, nên suất đầu tư công nghiệp khá cao. Tôi nghĩ rằng, cần khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ để hướng đến mục tiêu xa. Trong đó, chọn phát triển công nghiệp tiêu dùng, kỹ thuật cao là khâu đột phá và cần chuẩn bị lực lượng lao động cho sự phát triển này. Hiện nay, KCN Hưng Phú 1, 2A và 2B rất thuận lợi vì gần cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui. Nếu thành công sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển công nghiệp của thành phố”. Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung với tổng diện tích quy hoạch 2.164 ha, hiện thu hút 189 dự án đầu tư (vốn đăng ký 1,7 tỉ USD)...

Còn ở tỉnh thuần nông Vĩnh Long cũng đang chắt lọc dự án. Ông Phạm Thành Khôn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, kể: “Ngay buổi đầu khát đầu tư, nên không cần chọn lọc, dù công nghệ kém cũng phải nhận để xây dựng hình ảnh cho tỉnh. Nhưng hiện tại và tương lai, Vĩnh Long không chủ trương phát triển công nghiệp nặng. Chúng tôi vừa từ chối dự án sản xuất xi măng, giấy, điện... Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi đến đây. Công tác đăng ký kinh doanh được giải quyết trong ngày khi DN nộp đủ hồ hơ theo quy định. Nhà đầu tư còn được khảo sát thực địa để chọn lựa địa điểm tối ưu đặt dự án”. Là tỉnh còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng trong các năm qua chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Long liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Ông Khôn cho rằng, thành công của Vĩnh Long cũng nhờ tập trung cải cách các thủ tục hành chính. Ngoài ra, Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư vào tỉnh được xem là “đòn bẩy” trong thu hút và hỗ trợ đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân. Các dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư, nhà đầu tư được tỉnh miễn tiền thuê đất trong suốt dòng đời dự án; hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi, giải phóng mặt bằng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động...

- Toàn vùng hiện có 74 KCN được phê duyệt thành lập, với diện tích quy hoạch 23.901 ha; trong đó, 43 KCN đã và đang đầu tư kết cấu hạ tầng, diện tích 9.507 ha, tỷ lệ lấp đầy 58,11%. Ngoài ra, còn có 214 cụm công nghiệp diện tích 18.658 ha (41 cụm đang hoạt động, diện tích 5.126 ha). 

-Năm 2010, GTSXCN toàn vùng đạt gần 120.000 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 18,58%, cao hơn mức bình quân của cả nước (13,38%) và chiếm 15,37% GTSXCN cả nước.

Nhờ sự đổi mới trong tư duy và thực hiện cải cách hành chính, nên hoạt động của các DN tại Vĩnh Long ngày càng khởi sắc. Hiện 2 KCN tập trung Hòa Phú (giai đoạn 1) và Bình Minh, tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã thu hút 27 dự án đầu tư (8 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 2.364 tỉ đồng và 97,5 triệu USD và giải quyết việc làm cho 13.422 lao động. Tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2010-2015, sẽ lấp đầy KCN Hòa Phú giai đoạn 2, KCN Bình Minh và Khu 4- tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Đồng thời, xây dựng hạ tầng thêm 3 KCN mới (950 ha) nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch kinh tế của tỉnh và đưa GTSXCN của các DN chiếm 50% giá trị toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, đưa GTSXCN tỉnh đạt 22.888 tỉ đồng. Có thể nói, KCN đi vào hoạt động đã tạo ra sự tác động lan tỏa lớn. KCN Hòa Phú trước khi quy hoạch là vùng đất thuần nông chậm phát triển, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, hiện nay đã trở thành khu vực phát triển sôi động. Hiện ở các xã Hòa Phú, Phú Quới và Lộc Hòa tăng trên 200 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và 700 cơ sở thương mại dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân...

* * *

Nếu không có KCN thì rất khó để thu hút đầu tư. Tiềm năng về nông sản của vùng cũng không được đánh thức. Mặc dù sự phát triển công nghiệp của vùng thời gian qua chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phải nhìn nhận rằng, vựa nông sản không chỉ là vùng đất thuần nông. Thành quả này sẽ là bước đệm trong giai đoạn mới, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang hòa nhịp cùng cả nước tiến lên.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết