17/07/2018 - 21:14

Thay tướng, Chelsea có đổi vận? 

Dưới thời chủ tịch Roman Abramovich, Chelsea giành 14 danh hiệu vô địch nhờ “chính sách” thay thế hàng loạt HLV. Thế nhưng, việc Antonio Conte bị sa thải có giúp đội bóng thành Luân Đôn đổi vận?

Ngay mùa giải đầu tiên dẫn dắt Chelsea 2016-2017, chiến lược gia người Ý đã đưa CLB này đăng quang giải Ngoại hạng Anh (EPL) sớm 2 vòng đấu, trong đó lập kỷ lục 13 trận thắng liên tục. Người đàn ông 48 tuổi không chỉ cho thấy khả năng truyền động lực cho các học trò, mà còn sở hữu bộ óc chiến thuật thực dụng khi giúp Chelsea trở thành đội bóng đầu tiên giành cúp EPL bằng sơ đồ 3-4-3. Thế nhưng cuối mùa giải 2017-2018, dù Conte mang về chiếc Cúp FA nhằm cứu vãn thành tích bết bát (xếp thứ 5 EPL, mất vé dự Champions League), “sếp” Abramovich vẫn không hài lòng. Khi đó, truyền thông Anh, bao gồm hãng tin Sky Sports, bắt đầu nhắc đến cái vòng quay khắc nghiệt của Abramovich. Kể từ khi tỉ phú người Nga mua lại đội bóng chủ sân Stamford Brigde vào năm 2003, hàng loạt HLV đến rồi đi. Hôm 12-7, danh sách đã có thêm Conte.

 Thời còn “mặn nồng” giữa HLV Conte (trái) và Abramovich. Ảnh: ESPN

Chiếc ghế nóng mà Conte để lại nhanh chóng có chủ mới. Cựu HLV Napoli Maurizio Sarri chính thức được chỉ định thay thế người đồng hương. Liệu sở thích thay tướng trong suốt 15 năm qua (6 nhà cầm quân) của Chelsea vẫn được duy trì hay đã đến lúc phải tìm một giải pháp dài hơi hơn?

Có vài bằng chứng cho thấy Chelsea bắt đầu nghĩ đến vế sau. Biểu hiện đầu tiên là ở việc chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Khoản tài chính khổng lồ mà Abramovich đổ vào “The Blues” không phải bàn cãi, nhưng những năm gần đây ông đã có giải pháp khôn khéo hơn trong bối cảnh đối thủ của Chelsea đi theo hướng ngược lại. Hai mùa bóng qua, Chelsea vung tiền trên thị trường chuyển nhượng khá khiêm tốn, chỉ 125 triệu bảng, so với lần lượt 361 triệu bảng và 225 triệu bảng của Manchester City và Manchester United. Đầu năm nay, Conte cho rằng Chelsea không bao giờ chạy đua mua sắm cầu thủ kiểu này, mà thay vào đó là hạ thước ngắm trên thị trường chuyển nhượng. Cuối cùng khi EPL hạ màn, “The Blues” thu về kết quả nghèo nàn.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao lãnh đạo đội bóng không trao nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo khá thành công của họ?”. Chẳng hạn, thay vì chi gần 100 triệu bảng để mang về bộ ba Tiemoue Bakayoko, Danny Drinkwater và Ross Barkley - mà đến nay chưa thể hiện được nhiều - Chelsea vẫn có thể đặt niềm tin vào tiền vệ 22 tuổi Ruben Loftus-Cheek, cầu thủ đầu quân cho Crystal Palace mùa giải qua dưới dạng cho mượn và vừa cùng tuyển Anh tham dự World Cup 2018. Đây không phải là cầu thủ trẻ duy nhất của Chelsea cần được đôn lên đội một. Tháng 4 vừa qua, U18 Chelsea đè bẹp U18 Arsenal sau 2 lượt trận chung kết với tỷ số 7-1, qua đó giành chức vô địch FA Youth Cup lần thứ 6 trong 7 năm qua. Thành tích này cho thấy lớp tài năng trẻ dồi dào mà Chelsea đang có. Khai thác lứa cầu thủ triển vọng trên sẽ đem về lợi ích to lớn, song nó đòi hỏi sự kiên nhẫn của Abramovich, điều mà người ta chưa bao giờ thấy ở nhà tài phiệt 51 tuổi. Sức ép phải gặt hái thành công nhanh chóng ở “The Blues” là trở ngại lớn để các cầu thủ trẻ được trao thêm cơ hội. Dường như đang có những dấu hiệu cho thấy sức ép trên bị phá vỡ.

Hai CLB xếp trên Chelsea mùa giải qua là Tottenham và Liverpool đã thu quả ngọt từ sự kiên nhẫn và tầm nhìn xa của họ. Môi trường ổn định ở mỗi đội bóng này đã giúp một loạt sản phẩm của lò đào tạo tỏa sáng, từ Harry Kane cho đến Trent Alexander-Arnold. Giải pháp của Tottenham và Liverpool  dù chưa mang về cúp vô địch, nhưng ít nhất nó không khiến họ phải “muối mặt” như Chelsea ở 2 trong số 3 mùa giải EPL gần đây (mùa 2015-2016 cán đích vị trí thứ 10).

Khi các cầu thủ biết rằng tương lai của thuyền trưởng vẫn an toàn, họ không khó vượt qua những khó khăn. Có lẽ ông chủ của Chelsea sẽ sớm nghĩ đến điều này. 

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết