24/11/2017 - 14:46

Thầy, trò và mạng xã hội 

Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) tạo điều kiện thúc đẩy, gắn kết quan hệ thầy và trò. Đây cũng là nơi giáo viên nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như có những hoạt động hỗ trợ, chia sẻ, giúp học sinh (HS) vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Đổi mới hoạt động

Nhiều năm nay, HS biết nhiều về các hoạt động của Đoàn trường THPT Giai Xuân, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền qua MXH. Qua đó, Đoàn trường đăng tải các hình ảnh nhân văn của cuộc sống; cuộc thi của ngành và Đoàn cấp trên; tình hình biển, đảo Việt Nam… Các Đội Văn nghệ, Đội Cờ đỏ, Đội Thanh niên tình nguyện trường… đều thành lập các nhóm trên MXH, có giáo viên tham gia để tiện việc quản lý, tổ chức hoạt động và có thể trao đổi trực tiếp, nhanh chóng dù không gặp mặt. Anh Trần Hữu Nhân, Bí thư Đoàn trường THPT Giai Xuân, cho biết: “Trước đây, các hoạt động Đoàn chủ yếu triển khai bằng văn bản nên HS ít quan tâm tìm hiểu, hạn chế thông tin. MXH giúp hoạt động Đoàn trường hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian. Tuy HS trường khá đông nhưng chúng tôi có thể liên lạc, tìm hiểu hoàn cảnh nhanh chóng. MXH còn là nơi để HS trao đổi, chia sẻ kỹ năng học tập, giao tiếp xã hội…”.

Những hoạt động ý nghĩa của thầy trò Trường THPT Nguyễn Việt Dũng tạo hiệu ứng tích cực thông qua mạng xã hội. Trong ảnh: Thầy trò Trường THPT Nguyễn Việt Dũng đóng góp giúp đỡ học sinh vượt khó. Ảnh: CTV

Anh Nguyễn Việt Thắng, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, cho biết: MXH Facebook của trường thành lập hơn 3 năm, thu hút hàng ngàn HS và cựu HS trường tham gia. Nhiều hoạt động của trường đăng trên MXH tạo cộng hưởng lớn trong giáo viên, HS, như: xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực; vận động giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão, lũ; tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy trong học đường… Qua đó, nhiều người biết, tìm hiểu và đóng góp chương trình “Thắp sáng ước mơ” tăng hằng năm, giúp nhiều HS hoàn cảnh khó khăn. Theo anh Thắng, qua MXH, Ban Chấp hành Đoàn trường lắng nghe ý kiến HS về các phong trào Đoàn cũng như những nhu cầu cần thiết trong hoạt động vui chơi. Đoàn trường kịp thời đổi mới, đáp ứng sở thích của đoàn viên thanh niên, HS. Đặc biệt, nhiều HS thích thú hình ảnh các hoạt động tình nguyện của mình được đăng tải trên MXH của trường nên càng tích cực tham gia các phong trào, chương trình…

“Cầu nối” thiết thực

MXH không chỉ giúp thuận tiện trao đổi thông tin mà còn để HS chia sẻ với giáo viên và được giúp đỡ, bởi nhiều HS không thể hoặc không dám nói về khó khăn với người thân. Anh Nguyễn Việt Thắng kể: Đầu năm học này, hai HS mâu thuẫn vì một bạn hay vi phạm nội quy lớp, còn bạn kia (lớp trưởng) thường nhắc nhở. Cán bộ lớp chia sẻ câu chuyện này với anh qua MXH của trường. Khi biết được mâu thuẫn, anh Thắng gọi hai HS đến giải thích, giảng hòa. Lần khác, một HS khủng hoảng tinh thần khi người thân qua đời. Anh Thắng nhiệt tình động viên cũng như nhờ bạn bè hỗ trợ HS này vượt qua cú sốc, giữ vững thành tích học tập.

Hiện nay, một số HS vì nhiều lý do nên thường có tâm lý chán nản, buông xuôi khi gặp khó khăn. Các em rất dễ mất tập trung, suy nghĩ bi quan về cuộc sống khi người thân không quan tâm; bị điểm kém trong học tập; mâu thuẫn tình cảm… Chính vì vậy, MXH là kênh để HS dễ dàng, thuận tiện chia sẻ với thầy cô. Anh Trần Hữu Nhân nói: “Tôi phụ trách công tác chuyên môn và Đoàn nên chú trọng sử dụng MXH để quản lý, uốn nắn HS. Qua đó, tôi nhận ra những thay đổi trong tâm lý HS để thông báo giáo viên chủ nhiệm kịp thời hỗ trợ”. Em Nguyễn Hữu Trí, học sinh lớp 11A2 Trường THPT Giai Xuân, chia sẻ: “Nhờ có MXH nên em giao tiếp thường xuyên với thầy, cô giáo trong trường. Mỗi khi gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống, em mạnh dạn trao đổi cũng như nhờ thầy cô hỗ trợ, tư vấn”.

Theo nhiều giáo viên, sử dụng MXH trong các hoạt động Đoàn trường và quản lý khá vất vả vì phải kịp thời giải đáp các thắc mắc, tư vấn cho HS. Tuy nhiên, cũng là niềm vui vì kịp thời định hướng học sinh suy nghĩ tích cực, biết phấn đấu vượt qua hoàn cảnh, vững vàng hơn trong cuộc sống.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết