05/09/2018 - 18:29

Thầy Phục biên phòng trên đảo Hòn Chuối 

Người dân trên đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thường gọi đại úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn biên phòng 704, bằng những cái tên thân thương “thầy Phục biên phòng”, “thầy Phục lớp tình thương”, “thầy giáo quân hàm xanh”.

Còn với các em nhỏ trên hòn đảo này, thầy Phục không chỉ là người thầy, mà còn là người cha tinh thần, người anh thân thương tận tình chỉ dạy mọi điều… 

Trong một chuyến công tác tại đảo Hòn Chuối, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đến thăm lớp học của thầy Phục

9 năm trước, Trần Bình Phục được điều động ra Đồn biên phòng 704 công tác với nhiệm vụ vận động quần chúng. Đảo có hơn 40 nóc nhà cất tạm bợ men theo bờ đá sát mép biển. Người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề biển, những đứa trẻ từ khi sinh ra đến 15, 17 tuổi cũng gắn chặt với biển, chỉ biết vài đầu chữ cái ghép lại thành những câu đơn giản đọc trên nhãn gói mì, chai nước mắm…

“Trước đó trên đảo đã có một lớp học chừng 4, 5 em, do anh em trong đồn lập nên. Lớp do một chiến sĩ ở đồn phụ trách nhưng vừa xuất ngũ trở về đất liền. Được đảng ủy, chỉ huy đồn giao tổ chức lại lớp học, tôi thực sự lúng túng, vì chưa có kiến thức sư phạm thì làm sao đứng lớp. Tôi quyết định về đất liền theo học khóa sư phạm ngắn ngày, rồi trở lại đảo bắt đầu công việc đầu tiên là đi thuyết phục các gia đình đưa con em đến lớp. Từ vài em ban đầu, lớp tăng dần sĩ số, lúc cao điểm lên hơn 30 em, chia thành 7 khối học từ lớp 1 đến lớp 7”, đại úy Phục nhớ lại.

Cái khó lớn nhất của lớp học lúc đầu là cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, các em phải ngồi trên những chiếc ghế nhựa cũ trong căn chòi gỗ gác mấy tấm tôn không đủ che nắng, che mưa và những cơn gió rít từ biển thổi vào. Khó khăn là thế nhưng thầy trò vẫn cùng nhau vượt qua. Đồng hành với thầy Phục gieo con chữ nơi đảo xa những năm qua là tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 704, mỗi người một việc. Người thì vận động mạnh thường quân góp vật liệu, chi phí dựng lại lớp học, mua sách, tập, dụng cụ học sinh, quần áo mới gửi ra đảo cho các em; người quyên góp ngày lương, chắt mót bó rau, quả bầu, con gà… hỗ trợ các gia đình khó khăn trên đảo để các em yên lòng, ấm bụng đến lớp mỗi ngày.

Ông Trần Văn Phương, Tổ trưởng Tổ tự quản đảo Hòn Chuối, tự hào: “Hàng năm đảo đều đạt tỷ lệ học sinh đến lớp 100% không có em nào vì khó khăn mà bỏ học. Cuối năm học, Phòng GD-ĐT huyện ra kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em đều công nhận đạt yêu cầu, có năm gần cả lớp đạt học sinh khá, giỏi. Từ năm 2014 đến nay, 7 khối lớp của lớp học tình thương do thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục đứng lớp trở thành điểm trường 4 của Trường Tiểu học - THCS thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời”.

Bấm đốt ngón tay nhẩm đọc tên của những học trò cũ đi ra, trưởng thành từ lớp tình thương trên đảo Hòn Chuối này, thầy Phục tự hào kể: “Em Phúc Nguyên, em Như, em Tuyền, em Duy Tính nữa nè, sau lớp 7 ở đảo được đưa về đất liền tiếp tục học lên đến hết THPT và cao hơn nữa. Trong đó, Duy Tính đã tốt nghiệp đại học ngành xây dựng và vừa có việc làm trên Bình Dương”.

Nhìn ánh mắt và nụ cười mừng vui của Trần Bình Phục khi nhắc đến tên những học sinh thân yêu của mình, chúng tôi hiểu vì sao người thầy quân hàm xanh này lại bỏ bao công sức, thời gian và trí lực của mình vì các em nơi đảo xa khó nhọc. Điều chắc chắn là mai này, những cánh chim nhỏ bay đi từ hòn đảo xinh đẹp này sẽ lại trở về góp sức cho đảo thêm giàu đẹp. Đó chính là thành quả tạo nên danh hiệu “thầy Phục biên phòng” mà người dân đảo Hòn Chuối dành cho đại úy Trần Bình Phục, một tấm gương tiêu biểu về “Học tập, làm theo gương Bác” nhiều năm liền của toàn quân.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng

Chia sẻ bài viết