24/11/2009 - 09:27

Thấy gì từ vụ nhà ngoại giao Mỹ bị bắt vì làm gián điệp cho Cuba?

Vợ chồng ông bà Myers.
Ảnh: Miamiherald

Trước phiên tòa liên bang ở Washington ngày 20-11 vừa qua, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Walter Kendall Myers, 72 tuổi, và người vợ Gwendolyn Steingraber, 71 tuổi, đã thừa nhận họ làm điệp viên cho tình báo Cuba trong gần 30 năm. Đây được coi là một thất bại nặng nề của mật vụ Mỹ và chính sách cấm vận hà khắc mà Nhà Trắng áp đặt chống Cuba hơn 4 thập niên qua.

Theo tài liệu thu thập được của tòa án và Bộ Tư pháp Mỹ, ông Myers lần đầu tiên sang thăm Cuba với tư cách một nhân viên ngoại giao Mỹ tháng 12-1978 theo lời mời của một quan chức chính phủ Cuba. Sau chuyến đi kéo dài 2 tuần lễ này, ông Myers viết trên quyển nhật ký riêng rằng mình ngưỡng mộ Chủ tịch Fidel Castro và chính phủ Cuba. Một năm sau, Myers và vợ đi đến bang South Dakota, nơi quan chức ngoại giao Cuba làm việc. Tại đây, một nhà ngoại giao Cuba thông báo tuyển hai người này làm mật vụ cho La Havana và yêu cầu ông Myers tiếp tục phục vụ cho Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc xin vào làm việc tại Cục Tình báo Trung ương (CIA) để dễ bề tiếp cận các nguồn thông tin mật. Ông Myers được mang biệt danh là “Mật vụ 202”, còn bà Gwendolyn là “Mật vụ 123” và “Mật vụ E-634”.

Trong vai trò nội gián, từ năm 1985, Myers bắt đầu tiếp cận và thu thập được nhiều thông tin tối mật và chuyển giao cho các cơ quan đại diện của Cuba tại Mỹ thông qua sóng radio tần số ngắn, gởi thư điện tử hoặc gặp nhau ở siêu thị. Ông bà Myers còn gặp trực tiếp các đại diện của Cuba ở Brazil, Jamaica, Mexico và một số nước khác, đồng thời được gặp Chủ tịch Fidel Castro năm 1995.

Hoạt động của ông Myers bị lực lượng phản gián Mỹ nghi ngờ, nên Cục Điều tra Liên bang (FBI) cử người đóng vai một nhân viên mật vụ Cuba giăng bẫy bắt giữ ông đầu tháng 6-2009. Theo luật sư Bradford Berenson của vợ chồng bị cáo, ông bà Meyers đã hành động không phải vì tiền. Quả thật, Viện Công bố Mỹ nhận thấy ông bà Myers chỉ nhận được rất ít thù lao từ Cuba. Trong nhật ký, ông đã không ít lần phẫn nộ vì những thực tại trong xã hội Mỹ - thực trạng tồi tệ của hệ thống y tế và nhiều bất công khác trong xã hội. Trong khi tại Cuba, Myers lại tiếp cận với một thực tế hoàn toàn khác được ông đánh giá là rất lý tưởng. “Cách mạng không lấy của đất nước Cuba bất cứ thứ gì. Ngược lại nó giúp mở ra một tiềm năng lớn và giải phóng tinh thần Cuba” - Myers đã viết như vậy trong thời gian đặt chân tới Cuba, đồng thời đánh giá Chủ tịch Fidel Castro là “một chính trị gia xuất sắc, có sức thu hút quần chúng, là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của thời đại hiện nay”.

Dư luận cho rằng hành động của vợ chồng ông Myers có thể là sai trái theo luật pháp của nước Mỹ, song cái nhìn của ông về cuộc cách mạng ở Cuba đã phần nào nói lên chính sách cấm vận lỗi thời của Mỹ chống Cuba.

KIẾN HÒA
(Theo AP, McClatchy, Bloomberg, AFP, Wikipedia)

Vợ chồng ông bà Myers. Ảnh: Miamiherald

Chia sẻ bài viết