15/08/2018 - 21:47

Thay đổi tư duy tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và có uy tín 

Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, TP Cần Thơ định hướng, vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Thực tế cho thấy, khi vào các mô hình kinh tế tập thể nông dân không chỉ có điều kiện tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau mà còn dần thay đổi nhận thức, chú trọng sản xuất theo quy trình sạch, an toàn và xây dựng thương hiệu cho nông sản làm ra.

Chung tay

Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Khi mới thành lập, HTX Rau an toàn Long Tuyền chỉ sản xuất theo cách truyền thống với các loại rau ăn trái như: bí xanh, bí đỏ, ớt, khổ qua, cà chua, dưa leo… Tuy nhiên, nhận thức được yêu cầu từ thị trường ngày càng đòi hỏi các sản phẩm sạch, chúng tôi dần chuyển hướng sang trồng rau theo quy trình GAP. Đến năm 2017, tất cả sản phẩm trên diện tích canh tác (10,2 ha) của HTX được chứng nhận VietGAP. Tiếp đó, sau khi được đầu tư máy sụt khí Ozone và hệ thống rửa, sơ chế, đóng gói sản phẩm, một số thành viên mở rộng thêm các loại rau ăn lá và đã ký hợp đồng bao tiêu với một số siêu thị và công ty trên địa bàn thành phố”.

Sản phẩm rau màu của HTX Rau an toàn Long Tuyền được trưng bày, giới thiệu tại một hội chợ do thành phố tổ chức. Ảnh: MỸ THANH
Sản phẩm rau màu của HTX Rau an toàn Long Tuyền được trưng bày, giới thiệu tại một hội chợ do thành phố tổ chức. Ảnh: MỸ THANH

TP Cần Thơ không chỉ định hướng các HTX, THT sản xuất theo quy trình sạch, an toàn mà còn quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản. Ông Nguyễn Thành Nghi, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, quận Ô Môn, chia sẻ: “Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ từ ngành chức năng quận, HTX chúng tôi được vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất rồi còn được trợ giá cây giống chất lượng cao. Từ nền tảng này, HTX quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây cam xoàn sản xuất theo quy trình VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Thới An - Ô Môn” vào ngày 20-6-2018. Sản phẩm làm ra chất lượng, lại có thương hiệu nên “đầu ra” khá thuận lợi. Hiện với 24,6 ha cam xoàn đang cho trái, giá bán trung bình 25.000đ/kg đem lại lợi nhuận cho HTX khoảng 6,6 tỉ đồng”.

Theo phản ánh từ một số HTX, THT, vấn đề sản xuất nông sản sạch, an toàn rồi đi đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu đòi hỏi tính đồng thuận và quyết tâm cao. Ông Lê Minh Triết, Tổ phó THT Sản xuất sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã xác định rõ 2 tiêu chí “Vườn sạch - Trái ngon” và tất cả các thành viên đều tuân thủ nghiêm túc. Các thành viên đã thay đổi tư duy, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất theo hướng VietGAP; kết hợp phát triển vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái; mạnh dạn không trồng hoặc phá bỏ những cây xen canh. Để nâng cao tay nghề, các thành viên trong THT còn tham gia lớp sơ cấp nghề “Kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng” và đi tham quan thực tế mô hình trồng trái cây tại xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức”. Trên địa bàn thành phố còn có một số sản phẩm của HTX, THT được bảo hộ nhãn hiệu như: Dâu Hạ Châu Phong Điền, Gạo thơm Đồng Vạn, HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, HTX Rau an toàn Hòa Phát…

Nhanh chóng gỡ nút thắt

Những kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của các HTX, THT trên địa bàn thành phố trong hành trình chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản sạch, an toàn của thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đầu ra bấp bênh do chưa tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ người tiêu dùng... Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Sự phối hợp trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra giữa các ban, ngành chưa đồng đồng bộ. Đơn cử như việc quản lý các mặt hàng nông dược không được phép sử dụng trong sản xuất hiện nay còn nhiều sơ hở... Đây là một trong những lý do người tiêu dùng chưa tin tưởng về chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa “Rau an toàn Long Tuyền”.

Ông Nguyễn Thành Nghi, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh cho rằng, kỹ thuật canh tác truyền thống làm cho sản phẩm nông nghiệp không đồng nhất và khó cạnh tranh. Vì vậy, các sở ngành hữu quan và quận nên thành lập Quỹ Hỗ trợ HTX để hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Về phía HTX sẽ sớm hoàn thành các bước sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: “Hội Nông dân thành phố sẽ tích cực quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng về các loại nông sản sạch, an toàn và được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa để tạo lòng tin đối với khách hàng. Riêng đối với các HTX, THT, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đăng ký nhãn hiệu hãy cố gắng khai thác nhãn hiệu một cách hiệu quả nhất, để sản phẩm nông sản của thành phố phát triển bền vững trong tương lai”.

Thực tế cho thấy, để thúc đẩy các HTX, THT sản xuất sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn GAP phải có sự đồng thuận và quyết tâm của nông dân. Song song đó, vấn đề “đầu ra” phải ổn định, giá cả hợp lý mới có thể khuyến khích nông dân duy trì và phát triển phương thức sản xuất hiện đại này. Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Chúng ta phải làm sao để người tiêu dùng cảm nhận được sự khác nhau giữa sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn hiệu với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Việc này phải cần đến sự hỗ trợ của các kênh phân phối bán sỉ, bán lẻ và cả các cửa hàng tiện ích là đơn vị tiếp xúc trực tiếp đến người tiêu dùng. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước phải tiếp tục làm cầu nối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất (các THT, HTX), doanh nghiệp tiêu thụ để tạo ra chuỗi giá trị nông sản ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả cao nhất.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết