06/04/2018 - 21:26

Thấu hiểu… 

Hôn nhân là quãng đường dài, qua nhiều giai đoạn và cũng không ít lối rẽ, đòi hỏi người trong cuộc phải thật sự yêu thương nhau, trân quý tổ ấm mới có thể song hành trọn vẹn. Qua thời mật ngọt, nhiều vấn đề phát sinh chi phối cuộc sống gia đình như: sinh con, nuôi dạy con, áp lực công việc, tài chính, học hành…, nếu vợ- chồng không biết cách sắp xếp, ứng xử sẽ gây mâu thuẫn, căng thẳng, dễ dẫn đến chán nản, buông xuôi, hạnh phúc đổ vỡ.

Từ sự tôn trọng, thấu hiểu mà vợ chồng cô Trần Thị Nhàn (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) vẫn giữ được tình cảm nồng ấm sau hơn 40 năm gắn bó.

Đa số cặp vợ chồng tôi tiếp xúc (từ 35 -50 tuổi) từng trải qua cảm giác chán…  hôn nhân, sau đó tìm cách cân bằng.  Mấu chốt vấn đề vẫn là sự tôn trọng, biết lắng nghe, thấu hiểu đối phương. Chị Hà Thu (38 tuổi, làm kế toán ở quận Bình Thủy) nhớ lại: "Hồi đó, nếu tôi làm căng chắc vợ chồng chia tay. Nhờ con, tôi hiểu hơn nỗi khổ tâm của chồng, kịp thời điều chỉnh thái độ". Vợ chồng chị Thu cưới nhau đến nay hơn 14 năm. Khi Bo, con trai đầu lòng, vào lớp 2, chị Thu quyết định sinh con thứ hai. Thời điểm này, chồng chị làm ăn thất bại nhưng không dám nói vì sợ vợ lo. Thấy chồng đưa tiền chi tiêu hằng tháng ít hơn trước, còn đi sớm về khuya, say xỉn, không phụ việc nhà, chị Thu không kiềm chế được, thường cãi vả, chì chiết chồng. Chồng càng đi nhiều, mức độ stress của chị cũng tăng lên.

Một lần, Bo thấy cha nhậu say về, vừa giở sổ viết vừa khóc, rồi ngủ gục trên bàn, liền mách mẹ. Trong lúc chồng ngủ say, chị Thu xem sổ mới biết rõ bao khó khăn, vất vả của chồng bấy lâu. Công ty cắt giảm nhân sự, hùn vốn với bạn kinh doanh quán ăn thì ế ẩm, nợ ngân hàng đến kỳ đáo hạn, anh cố gắng tìm việc làm thêm... Chị không thấu cảm nỗi thất bại của "trụ cột gia đình" mà còn chê trách, hoài nghi nên anh ngán ngại về nhà, đối diện vợ con. Không thể để tình trạng này kéo dài, chị Thu tâm sự với chồng và mong cùng sẻ chia gánh nặng. Vợ chồng bàn bạc sang quán ăn để đỡ tiền mặt bằng, chi phí, chồng đảm đương việc đưa đón con đi học, chị Thu tranh thủ đem sổ sách về nhà làm thêm. Buổi tối, chồng phụ trông coi quán ăn của người quen, kiếm thêm 4 triệu đồng/tháng. Qua hơn 2 năm, gia đình chị Thu vượt qua khủng hoảng, điều quan trọng là sau những biến cố, vợ chồng thương yêu nhau hơn.

Chị Trúc Phương (40 tuổi, quận Ninh Kiều) có con trai học lớp 8 và con gái học lớp 3. Thời gian đầu, chồng lo mọi chi tiêu gia đình, chị đi làm chủ yếu chi xài cá nhân, gia đình yên ấm, đề huề. Sau này, chồng phải lo thuốc men điều trị bệnh cho mẹ chồng (ở riêng) nên yêu cầu chị Phương phụ gánh vác kinh tế. Chồng thường xuyên đi công tác, chị phải đảm đương việc đưa rước, chăm sóc, dạy dỗ con cái học hành, tất bật bếp núc, dọn dẹp...

Gần đây, nghe "đồn" chồng cặp kè cô thư ký, chị Phương gặng hỏi nhưng chồng không thừa nhận. Vợ chồng thường xuyên cự cãi, chị Phương trút hết mọi dồn nén, tủi buồn vào lá đơn ly hôn. Tự ái, chồng dọn qua nhà mẹ ở, còn chị Phương quay cuồng trong dằn vặt, đau khổ, khóc lóc, rồi quay sang mắng chửi con. Người bạn thân hiểu chuyện, khuyên lơn, chồng chị Phương trở về, "xuống nước" với vợ. Để giảm áp lực, chồng thuê người giúp việc, sẵn tiện qua lại chăm sóc mẹ chu đáo hơn. Chị Phương bình tâm suy nghĩ về thái độ của mình, không đi nói xấu chồng, không đưa chuyện nhà lên mạng xã hội nữa. Nhờ thế, chị Phương kịp thời hàn gắn hôn nhân trên bờ vực.

Trong một lần dự phiên tòa ly hôn ở quận Ninh Kiều, tôi chứng kiến hai vợ chồng trên 50 tuổi một mực đòi chia tay. Người chồng mặt đượm buồn, quần áo bạc bạc màu, xốc xếch, ngồi thu lu một góc. Người vợ trình bày, chồng không có trách nhiệm phụ nuôi con cái. Người vợ đi giúp việc nhà vất vả, còn phải lo cơm nước, hầu hạ mấy cha con; trong khi chồng suốt ngày "trầm" quán, tệ không ai bằng. Người chồng giãi bày, nghề chạy hon da ôm ngày càng ế ẩm, không có tiền đưa cho vợ. Chủ quán thương hoàn cảnh cho đậu xe, ngồi đón khách, đâu thảnh thơi, sung sướng ngồi quán xá ăn uống. Về nhà vợ không tiếc lời chửi mắng nên mấy tháng nay, người chồng xin ngủ nhờ chốt dân phố, vậy mà vợ vu oan có người khác… Người chồng nói, rất thương vợ con, nhưng người vợ nhất quyết không tin. Trước sự kiên quyết của người vợ, tòa đành xử ly hôn. Giá như đôi bên biết lắng nghe, thấu hiểu, người vợ thông cảm nỗi khổ của chồng, gia đình đâu lâm cảnh "tan đàn xẻ nghé"

Chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho rằng, sau kết hôn 5 năm và giai đoạn vợ chồng tuổi trung niên (35-45 tuổi) là thời điểm khó khăn trong hôn nhân. Những áp lực cuộc sống khiến vợ- chồng cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Người vợ lo cho con cái, sức khỏe giảm sút, ít quan tâm chồng, trong khi, chồng mải lo công danh, sự nghiệp, kinh tế, thêm bao cám dỗ bên ngoài, phần nào lơ là bổn phận, dẫn đến tình cảm lứa đôi không còn nồng ấm. Nếu người trong cuộc không khéo cư xử và thiếu hợp tác, khó tránh khỏi đổ vỡ. Những lúc khó khăn, vợ chồng càng cần thấu cảm, cùng nhau vượt khó, tổ chức lại cuộc sống, cố gắng đáp ứng những nhu cầu của nhau trên sự vui vẻ, quan tâm, gắn kết. Có như vậy, gia đình mới thật sự là nơi chốn bình yên để các thành viên mong muốn tìm về sau bao bôn ba vất vả bên ngoài. 

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết