24/02/2017 - 19:58

Thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt - Hàn

Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu mà ngành giáo dục TP Cần Thơ nỗ lực hướng đến trong tiến trình hội nhập, trong đó có hợp tác với Hàn Quốc. Các chương trình tài trợ từ Hàn Quốc hay các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa giữa sinh viên, giảng viên hai nước…, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt - Hàn.

"Cầu nối" hữu hiệu

Giờ dạy tiếng Hàn cho học viên lớp căn bản do thầy Lê Trần Vương Tú, giảng viên tiếng Hàn, Trung tâm Hàn ngữ (Trường ĐHCT) đảm trách khá vui. Nguyễn Kim Phụng, sinh viên ngành Hệ thống thông tin K40, Trường ĐHCT, cho biết: "Thầy chỉ dạy tận tình. Tiếng Hàn dễ viết nhưng khó về phát âm, cấu trúc câu. Tôi học tiếng Hàn để mở mang kiến thức, am hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán Hàn Quốc. Sau khóa học, tôi có thể sử dụng kiến thức này để học tập, làm việc". Lê Thị Lây, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế K40, Trường ĐHCT, nói: "Tôi đang học năm cuối nên cố gắng học thêm ngôn ngữ thứ 3, thi chứng chỉ TOPIK để có cơ hội học cao học tại trường bạn".

 Giờ học tiếng Hàn của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ.

Trung tâm Hàn ngữ, Trường ĐHCT hiện có 3 lớp từ căn bản đến nâng cao, tổ chức từ tháng 9-2016. Khóa học này nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác của GNU - CTU (Gyeong Sang National University - Can Tho University), hỗ trợ nâng cao trình độ tiếng Hàn cho sinh viên ĐHCT để du học ở Gyeong Sang National University. Lớp học được hỗ trợ hoàn toàn chi phí (khoảng 800 tiết/năm), đa số học viên là sinh viên Trường ĐHCT. Thầy Tú nói: "Tiếng Hàn là ngôn ngữ khá mới ở Việt Nam và không khó học. Người học yêu thích và nỗ lực học tập sẽ tiến bộ rất nhanh. Để tiết học đạt hiệu quả, tôi cố gắng dạy những điểm trọng tâm, liên hệ thực tế vào bài giảng, tạo điều kiện để sinh viên tiếp xúc người bản xứ. Môi trường trau dồi thêm ngôn ngữ tiếng Hàn ở TP Cần Thơ không nhiều, đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực học tập".

Sinh sống và du học tại Hàn Quốc 6 năm. Sau khi về Việt Nam, thầy Tú tiếp tục làm phiên dịch viên cho công ty Hàn Quốc, rồi ký hợp đồng giảng dạy với Gyeong Sang National University. Không chỉ giỏi về ngôn ngữ, thầy Tú còn am hiểu về văn hóa, lịch sử và tập quán người dân Hàn Quốc, có thể truyền đạt tốt cho sinh viên. Mong muốn của thầy là đào tạo thế hệ sinh viên hội nhập tốt nền kinh tế quốc tế, trở thành "cầu nối" hữu hiệu giữa hai đất nước Việt - Hàn.

Cuối năm 2015, Trung tâm Hàn Quốc học và Viện Vua Sejong Cần Thơ được thành lập đặt tại Trường ĐHCT, song song hoạt động của Trung tâm Hàn ngữ. Bên cạnh khóa học dạy ngôn ngữ Hàn Quốc cho sinh viên ĐHCT do Trung tâm Hàn ngữ tổ chức; Trung tâm Hàn Quốc học và Viện Vua Sejong Cần Thơ còn tổ chức lớp dạy văn hóa, phong tục tập quán Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu người dân muốn tìm hiểu về đất nước này.

Dấu ấn thiện nguyện

Thầy Nguyễn Tất Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Tuyền 1, quận Bình Thủy, cho biết: "Học sinh biết khá nhiều động tác, múa dân vũ, đồng diễn và điệu nhảy Kpop… Tháng 1-2017, nhóm sinh viên tình nguyện Trường ĐH Soon Chun Hyang (Hàn Quốc) và Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đến trường giao lưu văn nghệ, thể thao; dạy học sinh kỹ năng cơ bản rửa tay bằng xà phòng, âm nhạc, ngôn ngữ Hàn Quốc… Qua đó, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với nền văn hóa khác, vui chơi sau những giờ học. Các hoạt động đã tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của trường". Ngoài ra, nhóm sinh viên tặng cho trường máy phát điện và một cây dù, trị giá 1.000 USD.

Trường Tiểu học Long Tuyền 1 có 480 học sinh. Hơn 150 học sinh (chủ yếu học sinh khó khăn từ lớp 2 đến lớp 5) tham gia chương trình giao lưu với sinh viên Hàn Quốc. Em Nguyễn Ngọc Bội, học sinh lớp 4, nói: "Các anh chị Hàn Quốc rất hòa đồng, thân thiện, dạy chúng em nhiều môn như: võ, vẽ, âm nhạc, nhảy... giúp em có thể vẽ tốt hơn ở môn Mỹ thuật và hát hay ở môn Âm nhạc. Em cố gắng học ngoại ngữ tốt để phục vụ học tập; trò chuyện, giữ liên lạc với anh chị Hàn Quốc".

Qua 2 lần (năm 2016 và 2017) tổ chức chương trình sinh viên tình nguyện do nhóm sinh viên 2 trường (ĐH Soon Chun Hyang và CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) thực hiện, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng sinh viên và học sinh tham gia chương trình. Các chương trình thiện nguyện cũng góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt - Hàn. Tiêu Mỹ Anh, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế K15, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, nói: "Tham gia các hoạt động từ thiện, tôi dạn dĩ và giao tiếp tốt hơn, nhất là nâng cao ngoại ngữ". Lâm Tấn Việt, sinh viên năm cuối ngành du lịch, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, bộc bạch: "Khi chia tay các bạn Hàn Quốc, ai cũng buồn, bịn rịn, hứa với nhau sẽ giữ liên lạc. Hiện chúng tôi vẫn giữ liên lạc với bạn Park Jong Pork, Sungil. Tôi học ở các bạn rất nhiều về sự chịu khó trong mọi công việc, tính kỷ luật cao, sự cảm thông, chia sẻ... Đây là hành trang quý báu trong bước đường tìm việc sau này".

Theo cô Huỳnh Cẩm Tú, Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, thông qua hoạt động này, trường thêm kinh nghiệm khi tổ chức sự kiện quốc tế, hợp tác; cán bộ giảng viên có cơ hội giao lưu, học hỏi. Sinh viên có sự trải nghiệm và trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hội nhập quốc tế.

Cần Thơ hiện có hơn 10 cơ sở giáo dục ĐH đóng trên địa bàn. Bên cạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, các trường còn đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế. Không chỉ dừng lại ở bản ký kết, thời gian gần đây, các trường tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: các lớp dạy ngôn ngữ, văn hóa; trao đổi, giao lưu văn hóa, trao đổi văn hóa giữa sinh viên, giảng viên Việt Nam với các nước… Qua đó, tạo "cầu nối" thắt chặt mối quan hệ giữa trường và các đơn vị đối tác. Đồng thời, giúp sinh viên tiếp cận nhiều thông tin khu vực và thế giới để có cơ hội tiến bộ, phát triển bản thân, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết