13/11/2018 - 09:37

Thắp sáng đam mê khoa học 

15 năm, với 678 đề tài nghiên cứu khoa học, không những góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), mà còn là hành trang quan trọng giúp sinh viên vững tin trong công việc, nâng cao trình độ sau khi ra trường.

“Thay vì tìm cách xử lý một lượng lớn phế phẩm (bột gạch) sinh ra trong quá trình sản xuất gạch lát vỉa hè, có thể nghiên cứu sử dụng lại bột gạch này và tạo ra vật liệu mới (bê tông nhẹ) có khả năng ứng dụng trong xây dựng. Qua đó còn hạn chế, tránh ô nhiễm môi trường”, Nguyễn Văn Thanh, sinh viên ngành Xây dựng dân dụng K41, Khoa Công nghệ, Trường ĐHCT cho biết.

Thanh và Thương đang chế tạo vật liệu mới từ bột gạch. 

Xuất phát từ thực tế trên, cùng với sự trợ giúp của thầy Bùi Lê Anh Tuấn, Khoa Công nghệ của nhà trường, Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Trần Hoài Thương (cùng lớp với Thanh) đã đưa ý tưởng vào đề tài “Nghiên cứu thiết kế và ứng dụng bê tông keramzit cho khu vực ĐBSCL”. Đề tài ấp ủ trong 2 năm của nhóm cuối cùng có “quả ngọt”: đoạt giải Ba Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2018, do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao tặng. Thanh nói thêm: “Từ bột gạch, chúng tôi nghiên cứu sản xuất thử nghiệm bê tông cốt liệu nhẹ thay thế cốt liệu nặng (đá) bằng sỏi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản phẩm này có thể ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế - xã hội. Sản phẩm bê tông nhẹ tiết kiệm năng lượng, thay cho đá truyền thống đang ngày càng ít. Bê tông này nhẹ hơn bê tông thường khoảng 20%, nên sẽ giảm chi phí vận chuyển, thiết bị và nhân công, lại còn chống cháy, cách âm và cách nhiệt tốt”.

Những ưu việt trên, cộng với sự mới mẻ của đề tài, giúp nhóm đạt được giải thưởng vừa qua. Song để thực hiện thành công đề tài, việc lấy phế phẩm nghiên cứu thực nghiệm của nhóm tác giả không dễ. Trong chuyến đi thực tế ở xưởng sản xuất gạch (Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nguyễn Phát Đạt, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), Thanh và Thương đến hố chứa phía sau công ty, lấy bột gạch đã khô cứng mang về Xưởng Thí nghiệm thực hành của Khoa Công nghệ nghiên cứu, chế tạo. Bằng các dụng cụ như: cân kỹ thuật, rây, cối và chày bằng đồng, bình tỷ trọng, phiễu, đũa thủy tinh... nhóm lấy bột gạch chia nhỏ lại, đưa vào lò sấy trong 24 giờ; sau đó tiếp tục nghiền nhỏ, rây lấy hạt mịn, trộn lại với xi măng với tỷ lệ thích hợp, đưa vào máy tạo viên (kích thước dưới 10mm), ngâm trong nước 28 ngày để hạt phát triển cường độ (cứng). Sau đó kết hợp lại với cát, nước, xi măng để tạo thành khối bê tông cốt liệu nhẹ (thay cho đá 1x2), tiếp tục ngâm trong nước 28 ngày… Bạn Hoài Thương chia sẻ: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi bỏ sản phẩm rất nhiều lần, vì chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng. Nhưng càng thất bại, càng khiến nhóm nỗ lực nhiều hơn”. Thanh tiếp lời: Do đề tài này khá mới, phần lớn tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh, từng thành viên chia công việc, trau dồi thêm ngoại ngữ, sử dụng thông thạo công nghệ thông tin… Khó khăn đó giúp chúng tôi nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng như ngoại ngữ, tin học. Đây là hành trang quý khi tìm việc sau này.

Theo ông Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nguyễn Phát Đạt, việc xử lý một lượng lớn bột gạch rất khó khăn, công ty phải tốn tiền thuê vận chuyển, xử lý, tránh ô nhiễm môi trường. Đề tài của nhóm sinh viên có ích đối với các nhà sản xuất gạch. Sắp tới, công ty sẽ kết nối với Trường ĐHCT và hỗ trợ nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm vào thị trường.

* * * *

Ngoài đề tài “Nghiên cứu thiết kế và ứng dụng bê tông keramzit cho khu vực ĐBSCL”, nhiều sinh viên Trường ĐHCT đã thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng thành công vào thực tế cuộc sống. Đơn cử các đề tài: “Tổng hợp và đánh giá hoạt tính sinh học của một số dẫn xuất Naphthalene - Benzimidazole” (nhóm sinh viên Khoa Khoa học Tự nhiên); “Xây dựng quy trình bảo quản lạnh đông Purée từ trái thanh trà được trồng ở tỉnh Vĩnh Long và ứng dụng trong chế biến fruit bar” (nhóm sinh viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng)…Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nghiên cứu khoa học giữ vai trò quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên. Bởi hoạt động này giúp sinh viên làm quen với công tác nghiên cứu, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, làm tiền đề cho các nghiên cứu nâng cao. 

Băn khoăn của trường hiện nay là nguồn kinh phí có hạn trong bối cảnh ngày càng nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, cần sự hỗ trợ từ nhà trường. Thực tế, kinh phí hàng năm của trường vẫn chưa đáp ứng tất cả các đề tài nghiên cứu của sinh viên đủ điều kiện. Đã có một số đề tài không được duyệt cấp kinh phí triển khai, Hội đồng Khoa học và Đào tạo đơn vị phải tuyển chọn và ưu tiên đề tài có tính cấp thiết cao; cũng như quy định mức chi cho đề tài của sinh viên (từ năm 2016 đến 2018) không quá 15 triệu đồng/đề tài. “Dù vậy, trrường vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, thông qua nguồn kinh phí tự chủ của trường, sẽ cân đối và tăng nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học của sinh viên; chú trọng đến phát triển các dự án khởi nghiệp trong sinh viên”, bà Hiền nhấn mạnh. 

15 năm qua (từ 2004 đến 2018), sinh viên trường thực hiện được 678 đề tài ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghệ... với tổng kinh phí thực hiện 11,46 tỉ đồng. Thực tế, giai đoạn từ 2004 đến 2008, hầu như trường không có đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Để đẩy mạnh và phát triển hoạt động này, Phòng Quản lý khoa học đã tham mưu với Ban Giám hiệu trường các biện pháp đẩy mạnh phong trào nghiên cứu trong sinh viên. Ngày 4-3-2009, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành hướng dẫn số 305/ĐHCT-QLKH về Hướng dẫn thực hiện và quản lý đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Từ đó, Phòng Quản lý khoa học đã kết hợp với các đơn vị và Đoàn trường thực hiện hướng dẫn nêu trên cùng sinh viên. Nhờ vậy, từ năm 2009 hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng phát triển. Trường hỗ trợ kinh phí cho sinh viên nghiên cứu thông qua việc thực hiện các đề tài, tăng dần qua các năm. Từ năm 2012, mỗi năm, trường dành ít nhất 1 tỉ đồng cho sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết