20/06/2018 - 21:17

Thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề 

“Từng chuyến đi, mỗi sự kiện, mỗi câu chuyện cuộc đời của nhân vật trong bài viết… trở thành động lực, nhiệt huyết khiến tôi thêm yêu nghề báo”. Nhiều nhà báo đã tâm sự như thế. Gắn bó với nghề, các nhà báo lựa chọn những đề tài khó, đầu tư công sức để mang đến độc giả, khán thính giả những tác phẩm chất lượng, giúp ích cho cộng đồng... Với họ, tình yêu nghề là niềm tin để vượt qua khó khăn trong công việc.

Các nhà báo hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ đang tác nghiệp. Ảnh: KIM XUÂN
Các nhà báo hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ đang tác nghiệp. Ảnh: KIM XUÂN­

Mồ hôi trên từng trang viết

Năm nay, Ban tổ chức Giải Báo chí Quốc gia lại xướng tên nhà báo Trần Thuận Phương Thúy (Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ) và các đồng nghiệp trong ê kíp, với tác phẩm “Nâng cao thu nhập cho nông dân với mô hình tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tác phẩm đạt giải B. “Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra biến đổi khí hậu là nông dân. Vì vậy tôi nghĩ mình phải có những bài viết để góp phần thay đổi nhận thức của nông dân thành phố trong làm kinh tế”- chị Thúy chia sẻ. Chị và êkíp đã liên hệ với nhiều nông dân ở quận, huyện Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Bình Thủy để vận động họ trồng trọt với mô hình nhà lưới, tưới nước tự động… Đồng thời, mời các chuyên gia ngành nông nghiệp đến nhà nông dân để nói về cách thức sản xuất mới, về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất...

Đồng hành cùng nông dân trong suốt một năm, nhiều ngày khi trời còn tờ mờ sáng, chị Thúy và các đồng nghiệp vượt gần 100km đến xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh để tác nghiệp. “Thấy anh em vất vả, tôi động viên mọi người cố gắng, vì chương trình thành công sẽ giúp được thêm nhiều nông dân. Sắp tới, chúng tôi dự định làm cầu nối giữa chuyên gia kinh tế và nông dân trong việc tìm giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả cho nông dân”- chị Phương Thúy bộc bạch.

Nhà báo Đặng Duy Khôi (Báo Cần Thơ) đã viết hàng trăm tác phẩm về văn hóa nghệ thuật, văn hóa cơ sở. Nhiều tác phẩm anh viết riêng và viết chung với đồng nghiệp, đoạt giải ở các cuộc thi: Giải báo chí về ĐBSCL, Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ… Những trang viết của Duy Khôi không chỉ phản ánh đúng thực trạng đời sống văn hóa mà còn là những nghiên cứu nghiêm túc, ngồn ngộn tư liệu và chất liệu từ cuộc sống. Anh Duy Khôi cho biết: “Với tôi, việc tìm hiểu về văn hóa không chỉ là hiện tượng mà còn đòi hỏi chiều sâu về văn hóa vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ trên phương diện văn hóa nghệ thuật và văn hóa cơ sở.  Tìm được một nhân vật đã khó nhưng để nhân vật nói như "trút hết ruột gan" càng khó. Tôi đọc thật nhiều, nghiên cứu thật sâu về các lĩnh vực văn hóa để tìm sự tương cảm với nhân vật”.

  Mỗi tháng anh Duy Khôi đều dành 1-2 triệu đồng để mua sách cũ, tư liệu phục vụ cho công việc và sưu tầm. Anh Khôi cũng thường tìm đến những nhà nghiên cứu tiêu biểu của vùng ĐBSCL: Nguyễn Hữu Hiệp (ở An Giang), Trần Phước Thuận (ở Bạc Liêu), Nhâm Hùng (TP Cần Thơ)… để nghe họ nói. “Khi gặp các nhà nghiên cứu, tôi lại cảm thấy kiến thức của mình cần bổ sung. Đi nhiều cũng giúp tôi nhận ra rằng nhiều nét đẹp của văn hóa đồng bằng mình vẫn chưa được khám phá hoặc sắp bị lãng quên. Điều đó càng thôi thúc tôi đi…”- anh Khôi cho biết.

“Luôn dấn thân với nghề” là điều nhà báo Lan Phương (Báo Cần Thơ) tâm niệm. Dáng người nhỏ nhắn nhưng chị Lan Phương luôn thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt khi đến những điểm “nóng”. Năm 2017, TP Cần Thơ chấn động với vụ cháy ở Công ty TNHH Kwong Lung- Meko (quận Bình Thủy). Để kịp thời đưa những hình ảnh sống động đến với bạn đọc, chị Lan Phương không ngại nguy hiểm, tiếp cận sát hiện trường vụ cháy. “Tối 23-3-2017, lực lượng chữa cháy tiếp cận chữa cháy nơi ngọn lửa đang bùng phát lại dữ dội. Tôi theo sát lực lượng để ghi ảnh. Đến sáng, các anh Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho biết phía trên là một mái vòm khá lớn, có nguy cơ đổ sập xuống chúng tôi bất cứ lúc nào”- chị Lan Phương kể. Phóng sự ảnh chị Phương thực hiện trong 1 tuần đồng hành với lực lượng chữa cháy, đã đoạt giải Báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm 2016-2017.

Chị Lan Phương còn là tấm gương lao động kiên trì, thể hiện sự chỉn chu trong từng tác phẩm. Năm 2017, chị Lan Phương tích lũy tài liệu, phỏng vấn nhân vật trong gần 1 năm để thực hiện tác phẩm “Nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người đứng đầu - vấn đề cấp bách” (3 kỳ). Tuyến bài này đoạt giải B Giải Báo chí Búa Liềm Vàng năm 2017 do Ban Tổ chức Trung ương Đảng phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Chị Lan Phương cho biết: “Để có chất liệu cho bài viết, tôi đã thu thập tư liệu nền trong gần một năm. Quá trình tác nghiệp, có một số đơn vị không nhiệt tình hỗ trợ khi nhắc đến chuyện tiêu cực… Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng để hoàn thành tác phẩm”.

Trăn trở với đời, với nghề

“Tôi viết về mảng y tế nên gặp nhiều bệnh nhân nghèo, thiếu hiểu biết, thậm chí bị lừa gạt khi có bệnh. Tôi luôn nghĩ mình cần làm gì để giúp các bệnh nhân nghèo đến đúng nơi điều trị và không bị mất tiền oan uổng vì các lang băm” – nhà báo Trương Thu Sương (Báo Cần Thơ) tâm sự. Đầu năm 2018, khi biết thông tin có nhiều người bệnh tiểu đường sau một thời gian uống thuốc “thần dược” đã qua đời, chị Thu Sương cùng một số đồng nghiệp trong và ngoài cơ quan thu thập thông tin làm thành tuyến bài “Nhầm thầy, lẫn thuốc, tiền mất tật mang”. Quá trình tìm tư liệu, chị Thu Sương đã đi nhiều tỉnh ở ĐBSCL, như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… để gặp gia đình người bệnh và những đầu mối phân phối thuốc. “Ở Đồng Tháp, tôi và một số đồng nghiệp giả dạng người mua thuốc trị tiểu đường để tiếp cận một gia đình bán “thần dược”. Đường đi vắng hoe, lại ít người nên cách vài chục phút tôi nhắn cho chồng một tin nhắn để biết mình ở đâu. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, lần đó, cơ quan chức năng địa phương thu được số lượng lớn thuốc trị bệnh tiểu đường không rõ nguồn gốc"- chị Thu Sương kể.

Các nhà báo tham gia thực tập kỹ năng quay phim do Hội Nhà báo TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Đăng Huỳnh
Các nhà báo tham gia thực tập kỹ năng quay phim do Hội Nhà báo TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Phụ trách lĩnh vực du lịch ở Phòng Phát thanh nên nhà báo Trần Thị Mai Thảo (Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ) luôn trăn trở về sự phát triển của du lịch thành phố. Chị đã có nhiều bài viết về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, các mô hình du lịch thu hút khách… Trong đó, nổi bật là tác phẩm “Du lịch cộng đồng Cồn Sơn – Du lịch của tình làng nghĩa xóm”, đã giải Nhất tác phẩm phát thanh truyền hình năm 2015, giải A báo chí chất lượng cao năm 2016. Trăn trở về cuộc sống của những người vì hoàn cảnh khó khăn phải bán máu kiếm tiền, năm 2017, chị Thảo dành nhiều tháng tìm hiểu, tiếp cận nhân vật để thực hiện bài “Chắt chiu từng giọt máu hồng”. Tác phẩm này đã đoạt giải Báo chí Phan Ngọc Hiển năm 2017-2018. “Nhiều nhân vật ngại nhắc chuyện cũ nên không muốn tiếp tôi. Tôi đã thuyết phục để họ cùng đồng hành, để cùng truyền đi thông điệp: Hãy giữ gìn những giọt máu sạch để cứu người! Sắp tới, tôi dự định thực hiện một số tác phẩm nhằm tuyên truyền về kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên”- chị Mai Thảo nói.

***

Các nhà báo - với sứ mệnh truyền thông điệp- vẫn từng ngày nỗ lực, sáng tạo để những thông điệp ý nghĩa, nhân văn lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng. Và với họ, tình yêu nghề luôn là động lực để vượt qua trở ngại, nguy hiểm.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết