03/06/2013 - 22:24

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

* Không đổi tên nước
* Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để Quốc hội báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Qua đây, nhân dân theo dõi, tiếp tục tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Tán thành tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thảo luận Điều 1, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ý kiến phân tích: Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay, chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội.

* Quy định về tính chất và các thành phần kinh tế là nội dung quan trọng của Hiến pháp

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận đã tập trung phân tích quy định tại Điều 54 về các thành phần kinh tế. Các đại biểu đều cho rằng quy định về tính chất của nền kinh tế và các thành phần kinh tế là nội dung quan trọng của Hiến pháp. Việc xác định tính chất nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đối với định hướng phát triển Nhà nước XHCN ở nước ta.

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 3 phương án tại khoản 1 Điều 54. Qua phân tích, vẫn còn những quan điểm lựa chọn các phương án khác nhau. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nên lựa chọn theo phương án 3. Phương án 3 đảm bảo các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đảm bảo tính khái quát của Hiến pháp… Quy định như phương án 3 là phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, các thành phần kinh tế đều là thành phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường.

* Lựa chọn mô hình chính quyền địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng mô hình chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay đang đứng trước thực tế cần đổi mới để phù hợp với tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương. Phương án 1: Giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này, Chương IX gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định. Phương án 2: Giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.

Phân tích và lựa chọn phương án 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu cho rằng, mô hình chính quyền địa phương như hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều nhiệm vụ của nhà nước từ Trung ương, tỉnh, huyện đều dồn về chính quyền cơ sở, trong khi tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã rất nhỏ, số lượng ít, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện làm việc khó khăn, kinh phí hoạt động ít…

Không cùng quan điểm này, đại biểu cho rằng nên lựa chọn phương án 2 giữ nguyên quy định đơn vị hành chính và chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành là phù hợp.

* Lời nói đầu cần ngắn gọn và cô đọng

Thảo luận về Lời nói đầu, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đánh giá: Lời nói đầu là một bộ phận quan trọng của mỗi bản Hiến pháp. Tuy nhiên, cách thể hiện, mức độ và liều lượng sự kiện lịch sử đưa vào phần này cần được cân nhắc kỹ, đảm bảo tính hợp lý. Trên cơ sở kế thừa nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992, Lời nói đầu trong Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn và súc tích hơn, khái quát truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, sự ra đời của Đảng và Nhà nước gắn với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xác định rõ mục tiêu, chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.

* Đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thảo luận Chương 2, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Một số ý kiến đánh giá Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới. Chương II đã khắc phục được nhiều hạn chế về kỹ thuật lập hiến; cân bằng được cấu trúc giữa các nhóm quyền lực; có sự sửa đổi tư duy về chủ thể quyền lực, thể hiện được bản chất của Hiến pháp là văn bản gốc giữa nhà nước và người dân nhằm thiết lập cơ chế kìm chế quyền lực nhà nước thông qua việc chế định quyền con người và quyền công dân.

Quỳnh Hoa - Khiếu Tư (TTXVN)

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước và xã hội

Thảo luận về Điều 4, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, cần kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung Điều 4 như Dự thảo đã công bố vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng. Quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là cần thiết. Đây là sự thừa nhận, là sứ mệnh lịch sử của Đảng trong suốt thời gian qua. Khẳng định sự cần thiết quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam; là sự lựa chọn lịch sử được nhân dân thừa nhận, là sự ủy quyền, tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng. Hơn nữa, quy định này còn phù hợp với truyền thống lập hiến và công ước quốc tế.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp là đúng đắn và phù hợp với đặc điểm của đất nước ta; thể hiện rõ Đảng được giao trọng trách lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

 

Chia sẻ bài viết