16/05/2017 - 10:01

Tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh xuất khẩu gạo

ĐBSCL là vựa lúa chủ yếu của cả nước. Các vấn đề liên quan đến lúa gạo của vùng không chỉ tác động đến cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân mà còn liên quan đến rất nhiều người tiêu dùng lương thực trong nước và cả ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lúa gạo của vùng nhiều năm nay vẫn còn không ít bất ổn. Hằng năm, cứ đến vụ đông xuân lại nổi lên những tranh luận về giá thu mua lúa, giá xuất khẩu gạo và sự không công bằng trong phân phối lợi nhuận của ngành hàng gạo xuất khẩu, giữa nông dân và doanh nghiệp…
Liên quan đến những vấn đề trên, Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến của ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ.

Thời gian qua có nhiều chính sách của Chính phủ, Bộ ngành hữu quan hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điển hình như: Quyết định 62/2013/QĐ - TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Thông tư số 15/2014/TTBNNPTNT ngày 29-4-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; các chính sách tạm trữ của Chính phủ… Nhìn chung, các chính sách đã chọn lọc doanh nghiệp thực sự có năng lực, định hướng kinh doanh xuất khẩu gạo hàng hóa chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất, giảm áp lực tồn kho cho các doanh nghiệp trong những mùa vụ chính; hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa, góp phần hạn chế được tình trạng thiếu nhân công trong khâu thu hoạch mùa vụ cao điểm, giảm thất thoát trong thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Chế biến gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ngày 19-12-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về phê duyệt dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 5 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố được phê duyệt dự án đầu tư theo Nghị định này.

Dù vậy, việc thực thi các văn bản pháp luật nói chung, các văn bản pháp luật vừa nêu trên nói riêng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình như: Bộ Công thương xem xét điều quy định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đạt sản lượng xuất khẩu 2 năm là 20.000 tấn (bình quân 10.000 tấn/năm). Nhưng vì tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thế giới giảm, xuất khẩu gạo hiện nay đang chịu sự cạnh tranh từ Thái Lan, Myanmar… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hiện tập trung vào sản xuất gạo chất lượng cao nên sản lượng gạo xuất khẩu chưa cao. Trong quá trình thực hiện kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay. Tuy nhiên, khi giá cả thay đổi tại thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp thường không mua được toàn bộ diện tích đã đăng ký kế hoạch, gặp khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng, hoàn thành chỉ tiêu vùng nguyên liệu theo lộ trình. Việc thực hiện chính sách liên kết, tiêu thụ nông sản vẫn còn một số hạn chế, như: các chính sách khi đi vào thực tế chậm được triển khai vì phần lớn doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo khó tiếp cận nguồn vốn nhằm trang bị các máy móc thiết bị kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, vấn đề xử lý lúa tươi trong thời điểm thu hoạch rộ... Tuy nhiên, việc vay vốn, cụ thể vay theo Quyết định 62 vẫn còn nhiều khó khăn, các ngân hàng còn ngần ngại cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp và thời gian hoàn vốn dài. Thời gian qua, Hiệp hội Lương thực đã ban hành giá sàn xuất khẩu gạo, nhưng việc kiểm tra và xử lý các đơn vị gian lận giá còn chưa chặt chẽ, làm "rối loạn" giá cả thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là: Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tạo cơ hội để khách hàng nước ngoài ép giá, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Giá cả lúa gạo thị trường nội địa thời gian qua biến động thất thường do ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Có thời điểm giá lúa gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu khiến một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh thua lỗ. Việc xây dựng vùng nguyên liệu là thật sự cần thiết, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Tuy nhiên, năng lực về vốn của hầu hết doanh nghiệp còn hạn chế, nên chưa mạnh dạn mở rộng diện tích liên kết bao tiêu, đầu tư kho chứa, lò sấy… Bên cạnh đó, tiến độ thu mua lúa của doanh nghiệp đối với nông dân đã ký hợp đồng không đáp ứng kịp thời vào lúc thu hoạch rộ, đặc biệt là các cánh đồng nằm sâu trong nội đồng, giao thông thủy chưa hoàn chỉnh do lòng kênh cạn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ giới hóa trong thu hoạch, thu mua và vận chuyển lúa của doanh nghiệp. Hiện nay, người nông dân chỉ muốn bán lúa tươi tại đồng. Điều này cũng gây không ít áp lực đối với doanh nghiệp về khâu thu mua và thanh toán (hình thức nhận tiền mặt). Ngoài ra, nhân lực doanh nghiệp, nhất là năng lực sấy và bảo quản khi lúa vào vụ thu hoạch rộ vẫn còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại trong các chính sách xuất khẩu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những rào cản trong đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử thực hiện có hiệu quả về phát triển kinh tế và hội nhập. Các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh tận dụng các cơ hội, các cam kết quốc tế, rất cần quan tâm, xử lý tốt các công cụ phòng vệ thương mại và xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa đi kèm với phát triển hạ tầng thương mại, các kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân và xã hội. Có chính sách ưu tiên, phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, thu mua lúa trực tiếp từ nông dân nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa. Nên ưu tiên giao chỉ tiêu tạm trữ cho các doanh nghiệp có liên kết xây dựng cánh đồng lớn; tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận các máy móc thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, tăng khả năng và thời gian bảo quản, giảm áp lực cung cầu, chủ động giá bán cạnh tranh. Xem xét hỗ trợ tín dụng ưu đãi và ưu tiên thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xây dựng vùng nguyên liệu. Đề nghị xem xét lại tiêu chí trong 2 năm liên tiếp không đạt tổng thành tích xuất khẩu tối thiểu 20.000 tấn gạo sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận.

Cải thiện chính sách xuất khẩu lúa gạo là rất cần thiết để cân đối và đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng lúa gạo trong nước. Các chính sách mới cần phải được áp dụng theo một lộ trình xây dựng hợp lý và công bố trước để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Quá trình thực thi phải được giám sát chặt chẽ với sự hỗ trợ của hệ thống cung cấp thông tin độc lập và tin cậy.

HÀ TRIỀU (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết