24/09/2017 - 13:15

Thành thật giúp chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn 

Lợi ích bất ngờ nói trên từ việc nói thật vừa được chứng thực sau khi các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Cảm xúc Đại học San Diego (Mỹ) phát hiện rằng, việc nói dối – dù là mục đích tốt – cũng gây hại đối với sức khỏe tổng thể.

Thành thật với người khác vừa tốt cho tâm lý vừa cải thiện mối quan hệ cá nhân. 

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên phát hiện trước đó của Đại học Notre Dame hồi năm 2012 chỉ ra rằng thành thật giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Cụ thể, các chuyên gia đã phân tích hành vi nói dối và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe tinh thần của 110 người tham gia (từ 18-71 tuổi) trong 2 tháng rưỡi. Một nửa số người tham gia được yêu cầu không nói dối trong suốt thời gian thử nghiệm, trong khi nhóm đối chứng không nhận được yêu cầu đặc biệt nào về cách cư xử đối với người thân trong gia đình. Kết quả đánh giá sau đó cho thấy so với nhóm đối chứng, nhóm thể hiện thái độ chân thật đã có cảm nhận tốt hơn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa, những người không nói dối còn được ghi nhận là có sự cải thiện trong các mối quan hệ cá nhân cũng như tương tác xã hội tốt hơn.

Ở nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia tại Đại học San Diego tiếp tục tìm hiểu tác động của việc nói dối đối với đời sống. Họ phân tích thời điểm người tham gia đưa ra “lời nói dối trắng” (nói dối với dụng ý tốt, tránh tổn thương đối phương) và mức độ thương yêu của họ đối với người nghe. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng càng yêu thương đối phương, người tham gia càng đưa ra nhiều lời nói dối trắng đối với họ. Phân tích sâu hơn nguyên nhân người ta nói dối, nhóm chuyên gia nhận thấy mục đích nói dối chủ yếu là để tránh gây tổn thương cho người nghe. Tuy nhiên, nỗ lực này được nhận xét là không có lợi cho người nói dối, thậm chí cản trở họ cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống.

Từ những phát hiện trên, các chuyên gia kết luận rằng nói dối, dù là lý do gì, cũng tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của người thể hiện.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết