14/10/2009 - 08:47

Kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2009)

Thành phố Cần Thơ tạo bước chuyển căn bản từ công tác cán bộ

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của chế độ, của đất nước. Xác định tầm quan trọng của công tác cán bộ, thời gian qua, TP Cần Thơ luôn nỗ lực, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trí tuệ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, coi đây là khâu đột phá để nâng cao năng lực, chất lượng, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong toàn thành phố.

Theo đồng chí Đặng Tuấn Liệt, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ, nhìn chung, đôi ngũ cán bộ của thành phố còn hẫng hụt, trình độ, năng lực một số cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị, về công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Ban Tổ chức đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện nhiều giải pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp trong thành phố. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ từ cơ sở đến thành phố, làm nền tảng cho việc thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ, như đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển... đạt được sự chuyển biến tích cực.

Cán bộ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đang thăm hỏi, trò chuyện với bà con người dân tộc Khmer ở khu vực 15 phường Châu Văn Liêm. 

Đồng chí Đặng Tuấn Liệt cho biết: “Trước đây, việc cử cán bộ đi đào tạo và bồi dưỡng chủ yếu do địa phương, đơn vị đề xuất nên có trường hợp đào tạo không gắn với quy hoạch. Một số trường hợp cán bộ tự ý xin đi học những ngành nghề không đúng nhu cầu, do đó việc bố trí, đề bạt, bổ nhiệm sau khi được đào tạo, bồi dưỡng gặp những khó khăn nhất định”. Để khắc phục tình trạng này, Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ của địa phương, đơn vị được duyệt, Ban Tổ chức rà soát, đối chiếu với các chức danh được quy hoạch và đề nghị cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa theo chức danh đó; kiên quyết không cử đi học những trường hợp không có trong quy hoạch. Nhờ bước đổi mới này, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố đã gắn chặt hơn với quy hoạch cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ. Từ năm 2006 đến nay, Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên 1.320 lượt cán bộ, trong đó có 100 cán bộ được đào tạo về chuyên môn, bậc đại học và sau đại học, đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị trên 430 trường hợp và trên 790 trường hợp được bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng, an ninh... Đa số các cán bộ sau khi đào tạo đều phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành nhiệm vụ”.

Song song với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ, từ khâu phát triển đảng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng..., tạo mọi điều kiện để cán bộ nữ được học tập, phấn đấu và phát huy khả năng. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong thành phố không ngừng tăng lên. Đồng chí Phạm Minh Phúc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức quận ủy Ninh Kiều- một trong những đơn vị làm tốt công tác cán bộ nữ - cho biết: Để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đảm bảo về số lượng và chất lượng, Quận ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng trực thuộc quán triệt Nghị quyết 04-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về một số vấn đề về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới và chỉ đạo của Thành ủy về công tác cán bộ nữ... trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm về công tác cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ đảng viên, xóa dần những định kiến, tư tưởng thiếu khách quan về khả năng của cán bộ nữ. Hàng năm, khi rà soát cán bộ, các cấp ủy đều quan tâm rà soát thực trạng và đánh giá việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ hiện có; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ gắn với quy hoạch, mạnh dạn đề bạt cán bộ nữ vào những vị trí lãnh đạo, quản lý... Chỉ riêng trong năm 2009, quận đã đưa 169 lượt cán bộ quy hoạch tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có trên 46% là cán bộ nữ. Đồng chí Phạm Minh Phúc khẳng định: “Nhờ công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ được thực hiện liên tục, nhất quán nên nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ cán bộ nữ của quận Ninh Kiều đều đạt và vượt chỉ tiêu. Ban chấp hành Đảng bộ quận hiện có 35,13% cán bộ nữ; tỷ lệ nữ trong quy hoạch A3 nhiệm kỳ 2010-2015 của quận và các phường cũng đạt gần gấp đôi so với quy định của Trung ương. Hầu hết các phòng, ban của quận đều có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo...”.

Song song với công tác đào tạo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử khoảng 300 cán bộ. Việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cũng được các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy quan tâm thực hiện, nhằm tạo môi trường để cán bộ gần gũi, cọ xát cơ sở, qua đó rèn luyện và thể hiện khả năng cống hiến của mình với nhân dân. “Từ đầu nhiệm kỳ 2005 đến nay, Ban Tổ chức Quận ủy Cái Răng đã tham mưu giúp cấp ủy quận điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm... 171 trường hợp. Đa số các cán bộ được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm... đều nỗ lực phấn đấu và phát huy tốt năng lực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Đặc biệt, nhiều cán bộ được luân chuyển về cơ sở đã phát huy được vai trò hạt nhân đoàn kết, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cả tập thể” - đồng chí Hồ Hoàng Dũng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Cái Răng, khẳng định. Cũng theo đồng chí Hồ Hoàng Dũng, điển hình như ở phường Phú Thứ, trước đây, do trình độ cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ nên hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ không cao. Quận đã luân chuyển đồng chí Đoàn Thanh Liêm, Trưởng phòng thống kê, về giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy. Với kinh nghiệm, uy tín và năng lực công tác tốt, đồng chí Liêm đã phát huy được vai trò “đầu tàu”, lãnh đạo tập thể cán bộ, đảng viên đơn vị cùng đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ. Hay ở Đảng bộ phường Lê Bình, trước đây do các cán bộ chủ chốt trình độ hạn chế, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành. Bằng giải pháp luân chuyển cán bộ, Quận ủy đã giúp địa phương củng cố và tăng cường đội ngũ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ...

Để nâng cao năng lực, tính năng động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị, nhiều địa phương trong thành phố đã chủ động tạo nguồn cán bộ trẻ, bao gồm tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ này bộc lộ năng lực, phẩm chất, phong cách, uy tín của mình trước quần chúng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chiểu, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Bình Thủy, để tạo nên những “cơ hội và điều kiện” đó, cần coi trọng từ việc tuyển dụng, chăm bồi để kết nạp đảng viên trẻ, đến việc thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch, đào tạo, lựa chọn, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc; mạnh dạn đề bạt, thay đổi vị trí công tác, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý. Với cách làm đó, Bình Thủy một trong những đơn vị được lãnh đạo thành phố đánh giá là có đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ có năng lực. “Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, của Bình Thủy không ngừng được trẻ hóa. Nếu như sau khi chia tách, độ tuổi bình quân của Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ quận Bình Thủy là 47, 48 tuổi, thì nhiệm kỳ 2005-2010 giảm xuống còn 45 tuổi; quy hoạch A2 của Ban chấp hành Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2010-2015, độ tuổi bình quân của cán bộ là 39,61 tuổi” - đồng chí Nguyễn Văn Chiểu phấn khởi.

Có thể nói, với những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, TP Cần Thơ thời gian qua đã khắc phục dần tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo, quản lý; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên; tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ ngày càng tăng, đảm bảo sự kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Năng lực, trình độ cũng có sự chuyển biến đáng kể. Cụ thể, so với đầu nhiệm kỳ, số cán bộ (đối với các đối tượng cán bộ do thành ủy quản lý) có trình độ từ đại học trở lên tăng 23,63%; số cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp về lý luận chính trị tăng 21,56%. Theo quy hoạch A2 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ cán bộ nữ tăng, độ tuổi bình quân giảm so với nhiệm kỳ hiện tại. Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, đánh giá: “Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, sự tham mưu của đội ngũ cán bộ ngành tổ chức, thời gian qua, công tác cán bộ của thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Hiệu quả công tác cán bộ đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò điều hành của các cấp chính quyền và hoạt động của các đoàn thể trong toàn hệ thống chính trị, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển”. Cũng theo đồng chí Bí thư Thành ủy, để TP Cần Thơ phấn đấu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 và là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH, một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu đặt ra là phải chăm 1o xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng chí Bí thư nhấn mạnh: “Bên cạnh việc chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành tổ chức phải vững vàng về chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, chủ động hơn trong việc tham mưu cho cấp ủy về cán bộ và công tác cán bộ để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ thành phố theo hướng tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Bài, ảnh: HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết