08/10/2018 - 21:37

Thận trọng khi mở rộng diện tích trồng sầu riêng 

Sầu riêng đang được nông dân tại nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng do giá trái đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, nguy cơ người trồng sầu riêng gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ có thể xảy ra do việc phát triển diện tích mang tính tự phát, chạy theo lợi nhuận, thiếu sự gắn kết với chế biến và tiêu thụ dẫn đến cung vượt cầu…


Thương lái thu mua sầu riêng của người dân tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Sầu riêng là loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế rất hấp dẫn, bán được giá cao và  nhẹ công chăm sóc, thu hoạch trái. Nhiều nông dân đã đầu tư chuyển đất lúa và đất rẫy lên trồng sầu riêng hoặc sẵn sàng đốn hạ những loại cây ăn trái khác để trồng mới lại sầu riêng. Thế nhưng, đa phần nông dân lại chưa biết tương lai sẽ bán trái sầu riêng cho ai, ở đâu, giá cả thế nào?

Ông Dương Ngọc Thành ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm rồi, sầu riêng giống ở mức khá cao khoảng 65.000 đồng/cây, còn năm nay ở mức hơn 130.000 đồng/cây. Dù chưa có hợp đồng bao tiêu trái sầu riêng từ doanh nghiệp hay bất cứ nhà thu mua trái cây nào nhưng tôi vẫn quyết định chuyển 8 công đất trồng chuối sang trồng sầu riêng. Tôi hy vọng, khi sầu riêng cho trái, được giá cao, thu nhập tốt hơn trồng chuối”. Ông Lê Hoàng Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Nguy cơ rủi ro về đầu ra trong tương lai là rất lớn khi nhiều người “đổ xô” trồng sầu riêng. Hầu hết những người trồng sầu riêng chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, với giá bán trôi nổi theo thị trường.  Khoảng 2 năm trở lại đây, giá trái sầu riêng tăng cao do thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, nếu tới đây họ giảm nhập sầu riêng sẽ ảnh hưởng giá sầu riêng trong nước!”. Theo ông Lê Hoàng Phong, Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới có 18 thành viên, với diện tích vườn trồng sầu riêng đạt hơn 18,5ha, sản lượng gần 100 tấn/năm và được định hướng sản xuất theo quy trình sạch. Tuy nhiên, sản phẩm của bà con chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái, với giá bán chưa ổn định, dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ sầu riêng đến tay người tiêu dùng nhiều lúc lên đến hơn 100.000 đồng/kg, nhất là tại thị trường Hà Nội. Để sản xuất bền vững, nông dân rất cần kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ để có hợp đồng bao tiêu, ổn định đầu ra và giảm được khâu trung gian thương lái...

Tại buổi gặp gỡ với nhiều nông dân ở hội thảo đầu bờ về ứng dụng hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái diễn ra tại quận Ô Môn mới đây, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ Lê Bá Phước cũng cảnh báo, sầu riêng và mít Thái là 2 loại cây ăn trái đang được nông dân tập trung trồng nhiều do bán được giá. Tuy nhiên, với tình trạng trồng tràn lan chạy theo giá cả, thiếu liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nông dân rất dễ rơi vào vòng lẩn quẩn “trồng rồi chặt” vì không đạt được hiệu quả lâu dài. Hiện giá cây giống sầu riêng tăng cao và hút hàng nên vấn đề chất lượng cây giống cũng cần đặc biệt quan tâm để tránh rủi ro. Các cấp Hội Nông dân và địa phương phải chú ý vận động nông dân không mua cây giống trôi nổi, không rõ chất lượng. Song song đó, cần khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển trồng cây ăn trái theo hướng liên kết, gắn kết giữa các bên, hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái có đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và đảm bảo an toàn thực phẩm... Có như vậy, mới đảm bảo tốt đầu ra sản phẩm ở cả thị trường nội địa và rộng mở xuất khẩu.

Hiện nay, cây sầu riêng đã được nhiều nhà vườn ở ĐBSCL xử lý cho ra trái rải vụ, nghịch mùa thành công, tránh tình trạng “rộ mùa, rớt giá”. Trước đây, nông dân trồng sầu riêng phải chờ trái chín rụng xuống mới mang đi bán, còn giờ thương lái cắt trái đồng loạt để xử lý chín, chủ vườn bán 1 lần, tiền nhiều, lại nhẹ công thu hoạch. Tuy nhiên, hiện khâu bảo quản, chế biến sầu riêng tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế và có không ít khách hàng vẫn chưa an tâm về chất lượng trái sầu riêng được xử lý chín đồng loạt. Trong khi đó, xuất khẩu trái sầu riêng còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, nông cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng sầu riêng để tránh gặp bất lợi về đầu ra trong tương lai. Đặc biệt, các cấp, các ngành chức năng cần rà soát, thống kê diện tích trồng, nghiên cứu thị trường, kịp thời có định hướng, quy hoạch và khuyến cáo nông dân phát triển trồng từng loại cây với diện tích phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi giá trị cây ăn trái.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
sầu riêng